Thứ 7, 11/01/2025, 05:55[GMT+7]

Kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại huyện Thái Thụy

Thứ 4, 14/04/2021 | 18:23:22
11,000 lượt xem
Chiều ngày 14/4, các đồng chí: Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Mạnh Hiền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại huyện Thái Thụy.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại xã Thụy Duyên (Thái Thụy).

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, hiện nay 12.350ha lúa xuân trên địa bàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt, trà lúa đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái, làm đòng. Dự kiến lúa xuân trỗ bông tập trung từ ngày 15 - 20/5. Từ đầu vụ đến nay, tình hình sâu bệnh hại lúa gây hại nhẹ, mật độ thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tăng cường kiểm tra đồng ruộng, lấy mẫu điều tra diễn biến của sâu cuốn lá, sâu đục thân. Dự kiến phát động đợt phun thuốc phòng, trừ các đối tượng: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân từ cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Kiểm tra trực tiếp tại xã Thụy Duyên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp, UBND huyện Thái Thụy theo dõi diễn biến thời tiết; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường cán bộ phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, điều tra, dự báo phát sinh của sâu bệnh để tham mưu các biện pháp chỉ đạo kịp thời; không để sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân. Tăng cường biện pháp sinh học kết hợp với thủ công để diệt chuột.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long, nuôi trồng thủy sản.

Cũng trong chiều ngày 14/4, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm mô hình tích tụ, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột tím kết hợp với nuôi trồng thủy sản của ông Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên. Mô hình có diện tích 13.000m2, mang lại thu nhập từ 400 - 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Mạnh đang thuê lại diện tích ruộng bỏ hoang để cải tạo, chuyển sang trồng rau cần với quy mô dự kiến khoảng 14ha. Thăm mô hình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Việc lựa chọn loại cây trồng chuyển đổi phải phù hợp với nhu cầu thị trường, tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn nhân lực, các điều kiện: thổ nhưỡng, đất đai, nguồn nước, khí hậu... và phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, thực hiện theo vùng sản xuất tập trung. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; rà soát các vùng trồng, loại cây trồng và tham mưu các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày