Thứ 6, 22/11/2024, 09:03[GMT+7]

Tiền Hải: Tập trung xử lý bệnh đốm trắng trên tôm

Thứ 6, 21/05/2021 | 09:12:39
1,547 lượt xem
Những ngày qua, tại một số hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Tiền Hải xuất hiện tôm chết do bệnh đốm trắng. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, huyện Tiền Hải đang tích cực chỉ đạo và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường để bệnh đốm trắng trên tôm không lây lan diện rộng.

Các hộ nuôi trồng thủy sản xã Đông Minh (Tiền Hải) xử lý môi trường ao nuôi bằng hóa chất Chlorine.

Ông Trương Xuân Hội, Giám đốc HTX Thủy sản Hải Châu, xã Đông Minh cho biết: Diện tích nuôi tôm của xã đạt 110ha. Hầu như năm nào bệnh đốm trắng cũng xảy ra trên diện tích tôm mới thả. Vụ tôm năm nay, bệnh đốm trắng xuất hiện sớm hơn ở diện tích ao nuôi của 14 hộ dân tại các thôn Ngải Châu, Minh Châu, Thanh Lâm. Đến nay, số lượng tôm chết khoảng 6 vạn con trên 1ha. Trước tình hình trên, HTX đã tham mưu UBND xã phối hợp với ngành chuyên môn xét nghiệm xác định bệnh đốm trắng trên tôm. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ tăng cường xuống các vùng nuôi tôm bị nhiễm bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi để bệnh đốm trắng trên tôm không lây lan sang các vùng nuôi khác. Tích cực tuyên truyền nhân dân khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý xác tôm chết, không xả nước bừa bãi tránh nguy cơ gây bùng phát thành dịch trên diện tích nuôi tôm toàn xã. HTX đã cấp phát 500kg hóa chất Chlorine xử lý môi trường ao nuôi tại các hộ có tôm chết do bệnh đốm trắng. 

Ông Nguyễn Văn Chín, thôn Minh Châu cho biết: Bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện trên diện tích 600m2 của gia đình. Do tôm được ít tháng tuổi nên sức đề kháng còn yếu, cùng với đó thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đã làm phát sinh bệnh đốm trắng. Dấu hiệu bất thường xuất hiện trên tôm nuôi trước khi chết là toàn thân có màu đỏ, bơi nổi và tấp vào bờ rồi chết. 

Sau khi bệnh xuất hiện, ông Chín đã thông báo với HTX để có giải pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra. Hiện nay gia đình đã xử lý ao nuôi bằng hóa chất và vôi bột bảo đảm môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm để chuyển sang đối tượng nuôi khác.

Đến nay, bệnh đốm trắng trên tôm không chỉ xảy ra tại xã Đông Minh mà đã xuất hiện tại xã Nam Cường. Các hộ dân đang nỗ lực phòng, chống bệnh để hạn chế thiệt hại. 

Ông Mai Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Đến ngày 17/5, diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng của xã Nam Cường khoảng trên 5ha với 146 vạn con tôm chết. Trước diễn biến phức tạp của bệnh đốm trắng trên tôm, UBND xã đã tuyên truyền bà con nông dân nếu tôm chết không được vứt xác tôm ra môi trường xung quanh; triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng ao nuôi. Xã đã cấp phát 1.500kg hóa chất Chlorine cho các hộ nuôi trồng thủy sản xử lý toàn bộ diện tích ao có tôm chết. Ngoài ra, UBND xã tuyên truyền các hộ nuôi tôm cần thường xuyên nắm bắt các thông tin về diễn biến bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh kịp thời như tăng cường quạt khí, ổn định pH, độ kiềm.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Đến ngày 17/5, Tiền Hải có trên 6ha bị bệnh đốm trắng trên tôm với 212 vạn con tôm chết. Để nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan sang các ao nuôi khác và các vùng nuôi tôm trên địa bàn, ngành chuyên môn huyện đã hướng dẫn các chủ hộ khoanh vùng, xử lý môi trường nước bằng hóa chất Chlorine, nhanh chóng thu gom lượng tôm chết xử lý theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Huyện đã cấp phát trên 2 tấn hóa chất Chlorine cho hai xã Đông Minh, Nam Cường để vệ sinh ao nuôi có tôm chết. Giám sát chặt chẽ việc thu gom tôm chết xử lý đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Khuyến cáo các hộ dân sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, quây lưới để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng mang mầm bệnh vào ao nuôi khác. Giữ nước trong ao nuôi để xử lý từ 7 - 10 ngày bằng hóa chất Chlorine và chuyển sang đối tượng nuôi khác như cá, cua theo thời gian khuyến cáo, bảo đảm không để ao trống. Ngoài công tác chỉ đạo xử lý bệnh đốm trắng tại hai xã Đông Minh, Nam Cường, huyện đã chủ động tuyên truyền các địa phương khác có vùng nuôi trồng thủy sản cần tập trung hướng dẫn nông dân giám sát chặt chẽ diện tích ao nuôi tôm, có các biện pháp bảo vệ như thường xuyên đo độ pH bảo đảm yếu tố môi trường nước tốt, kiểm tra tình trạng dinh dưỡng tôm nuôi. Hạn chế thay nước ao, tăng cường quạt khí nhằm ổn định lượng oxy, độ pH, độ kiềm trong ao. Đồng thời, bổ sung Vitamin C, men vi sinh, khoáng chất, vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Thường xuyên kiểm tra thức ăn của tôm trong vó để có sự điều chỉnh phù hợp.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày