Thứ 6, 10/01/2025, 18:12[GMT+7]

Kết quả bước đầu mô hình đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất khoai tây thương phẩm

Thứ 6, 18/06/2021 | 08:52:51
3,696 lượt xem
Với mục tiêu phát triển diện tích khoai tây lên 5.000ha/năm, trong những năm qua tỉnh Thái Bình đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân như: giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm,... đặc biệt là hỗ trợ máy phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp giảm công lao động, tranh thủ thời vụ và mở rộng diện tích.

Ảnh minh họa.

Vụ đông năm 2020, bằng nguồn vốn khuyến nông của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã xây dựng mô hình đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất khoai tây thương phẩm phục vụ chế biến với quy mô 8ha bằng giống Esmee tại xã Vũ An, Vũ Lễ (Kiến Xương) và xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ).

Qua theo dõi, đánh giá mô hình cho thấy: Khi đưa máy móc vào các khâu làm đất, trồng, chăm sóc đã giảm công lao động từ 30 - 50% giúp tăng hiệu suất lao động, rút ngắn thời gian trồng, cây khoai tây sinh trưởng, phát triển đồng đều nên thu hoạch đồng loạt, cỡ củ có độ đồng đều cao rất thuận lợi cho quá trình chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng thủ công truyền thống. Giống Esmee kéo dài thời gian sinh trưởng thêm 5 - 7 ngày; năng suất đạt từ 25 - 27 tấn/ha, cao hơn đối chứng trên 8 tấn/ha, tương đương tăng trên 30% so với giống Solara (17 - 19 tấn/ha), củ thương phẩm dễ bán, bán được giá. Hiệu quả kinh tế tăng 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất khoai tây đại trà tại địa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, giúp luân canh tăng vụ và nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao nên người dân rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Khi tham gia mô hình người dân được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ 50% củ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Trung tâm còn là cầu nối giữa nông dân với đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn ngoài sản xuất đại trà.

Trong thời gian triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Vũ Lễ, xã Vũ An (Kiến Xương) và UBND xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) tổ chức 3 lớp tập huấn trong mô hình với 240 người tham dự; tổ chức 1 hội nghị tham quan với 160 người; 1 hội nghị nhân rộng mô hình với 160 người và tổ chức 3 hội nghị tổng kết cho 315 người tham dự. Mô hình đã tạo ra phương thức sản xuất mới, phù hợp với hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nên được người dân phấn khởi thực hiện. Từ đó, đã góp phần thay đổi cung cách sản xuất, tạo sự ổn định tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều người dân, nâng cao thu nhập, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, từng bước tạo vùng nguyên liệu lớn cho các nhà máy chế biến và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành, của tỉnh đã đề ra.

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày