Thứ 5, 07/11/2024, 16:51[GMT+7]

Chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:22:59
1,178 lượt xem
Tiếp nối thắng lợi từ vụ xuân, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tập trung triển khai các điều kiện phục vụ sản xuất vụ mùa bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.

Nông dân huyện Tiền Hải làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa.

Những ngày đầu tháng 6, khi lúa xuân trên địa bàn huyện Tiền Hải rải rác vẫn còn diện tích chưa thu hoạch, trên cánh đồng xã Đông Quý, những chiếc máy cày đã nổ vang, cần mẫn bừa lồng dập rạ. Là địa phương từng ghi nhận bệnh lùn sọc đen (LSĐ) xuất hiện và gây hại, để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ mùa, HTX SXKD DVNN xã Đông Quý đã hợp đồng, huy động khoảng 20 máy làm đất cỡ nhỏ, cỡ vừa ra quân làm đất ngay sau khi thu hoạch lúa xuân. 

Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ máy làm đất xã Đông Quý cho biết: Gia đình tôi có máy gặt, máy làm đất phục vụ bà con. Thu hoạch xong lúa xuân, tôi bắt tay ngay vào bừa lồng dập rạ để rơm rạ kịp ngấu, tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ cho lúa, vừa để phòng tránh bệnh LSĐ. Thời tiết nắng nóng nên tôi tranh thủ sáng đi sớm, chiều về muộn để bảo đảm thời vụ cho vụ mùa.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa năm 2021 được các địa phương, nông dân triển khai tích cực, nhất là việc làm đất, gieo mạ và chuẩn bị các loại phân bón, vật tư nông nghiệp. Tính đến ngày 17/6, toàn tỉnh đã bừa lồng được 40.200ha; diện tích mạ đã gieo đạt 1.392ha. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, mỗi địa phương cần chủ động bố trí gieo tăng từ 5 - 10% mạ ở trà cuối (bảo quản mạ dự phòng đến đầu tháng 8) để phòng khi thời tiết có mưa lớn gây ngập úng làm chết mạ, chết lúa ở đầu vụ; sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày.

Vụ mùa năm nay, theo kế hoạch, toàn tỉnh gieo cấy 76.000ha, năng suất phấn đấu đạt 60,5 tạ/ha; trong đó, nhóm lúa thuần chất lượng cao chiếm từ 35 - 40% diện tích, gồm các giống: lúa nếp, lúa Nhật, TBR279, Đài thơm 8..., nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh chiếm 60 - 65% diện tích, gồm các giống: BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225... Căn cứ điều kiện cụ thể, mỗi địa phương nên lựa chọn từ 2 - 3 giống lúa chủ lực, 1 - 2 giống dự phòng trên cơ sở các giống đã được phép sản xuất, kinh doanh; sử dụng các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, có chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ; những địa phương có giống đặc sản cổ truyền ưu tiên phát triển để nâng cao giá trị, tạo thương hiệu sản phẩm.

Theo nhận định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bão số 2 với trường gió tập trung thích hợp để tập hợp và vận chuyển rầy lưng trắng - môi giới lây truyền vi rút gây bệnh LSĐ hại lúa từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong đó có Thái Bình. Ngoài ra, theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nguồn bệnh cũng đang tồn tại trên đồng ruộng. Cụ thể, vụ xuân năm 2021, 29/419 mẫu rầy dương tính với bệnh LSĐ, cuối vụ xuân trên lúa đã xuất hiện rải rác những khóm lúa bị bệnh; cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh gây hại cao ở vụ mùa. 

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để phòng, tránh bệnh LSĐ, các địa phương cần làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương, làm đất sớm hạn chế lúa chét là ký chủ phụ của rầy lưng trắng và bệnh LSĐ. Bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng giống lúa kháng hoặc ít nhiễm rầy, khuyến cáo áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến; xử lý hạt giống trước khi gieo mạ; phun trừ rầy trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 3 - 5 ngày.

Ngoài ra, trên đồng ruộng xuất hiện lúa cỏ (lúa ma, lúa trời, lúa hoang) ở vụ mùa năm 2020, loài này xuất hiện rải rác ở một số địa phương; vụ xuân năm 2021 có biểu hiện lan rộng ở một số xã của huyện Kiến Xương với diện tích 31ha, trong đó có gần 3ha bị nặng. Lúa cỏ có thể làm thất thu năng suất từ 15 - 20%, nếu bị lẫn lúa cỏ với tỷ lệ từ 35% trở lên năng suất có thể giảm 50 - 60%, thậm chí không cho thu hoạch. 

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương cho biết: Thời gian chuyển tiếp giữa vụ xuân và mùa rất ngắn nên sâu bệnh tồn tại trong đất, tàn dư cây trồng và hạt giống sẽ lây lan từ lúa xuân sang vụ mùa, đặc biệt rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh LSĐ; bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn và đối tượng lúa cỏ... có nguy cơ gây hại cao. Để chủ động phòng ngừa các đối tượng sâu bệnh hại trên mạ và lúa mùa năm 2021, ngoài việc làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống lúa chất lượng, trên chân ruộng xuất hiện lúa cỏ, chúng tôi khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch tiến hành đưa nước tạo ẩm trên ruộng để nhử hạt lúa cỏ và các loại cỏ dại khác mọc lên rồi tiêu diệt bằng các biện pháp cày lật và ngâm dầm, khoanh vùng bằng cách đắp bờ ngăn, chăng lưới mắt nhỏ trên ruộng, trước khi gieo cấy cần làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng. Trong ruộng lúa nếu luôn giữ được nước sẽ hạn chế lúa cỏ mọc và xử lý bằng các biện pháp canh tác để tiêu diệt hạt lúa cỏ trên đồng ruộng.

Theo đề án sản xuất vụ mùa của tỉnh, trà lúa đại trà, mạ dược gieo từ ngày 20 - 25/6, mạ nền cứng gieo từ ngày 25/6 - 5/7; tập trung gieo cấy lúa mùa nhanh, gọn, cấy hết quỹ đất dành cho cấy lúa trước ngày 22/7.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày