Thứ 5, 07/11/2024, 14:26[GMT+7]

Phòng, chống bệnh dại cho động vật

Thứ 2, 28/06/2021 | 09:13:33
1,922 lượt xem
Để ngăn chặn bệnh dại trên động vật lây sang người, huyện Tiền Hải tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh dại.

Các hộ dân xã Nam Chính (Tiền Hải) thực hiện tốt việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo.

Ông Đỗ Trí Thức, thôn Trung Đồng, xã Nam Trung cho biết: Gia đình tôi nuôi 2 con chó. Thời tiết nắng nóng kéo dài dễ phát sinh bệnh dại trên đàn chó, mèo. Hiện nay, nhiều gia đình rất chủ quan khi nuôi chó, mèo trong nhà mà không tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi. Từ khi được tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, gia đình tôi đã chủ động tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi của gia đình. Ngoài ra, gia đình tôi không thả rông chó ra đường, nuôi khép kín ở môi trường thông thoáng, mát nhằm không để bệnh dại xâm nhập vào vật nuôi.

Ông Lê Văn Tiền, Ban Chăn nuôi và Thú y xã Nam Chính cho biết: Trước các đợt nắng nóng dễ phát sinh bệnh dại trên đàn vật nuôi, xã Nam Chính đã yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Tuyên truyền đến các hộ dân xích, nhốt chó và đeo rọ mõm khi dắt vật nuôi ra đường. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân được biết khi phát hiện, hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo, động vật khác cắn, hoặc phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại thì báo ngay cho cơ quan y tế hoặc Ban Chăn nuôi và Thú y xã để có biện pháp xử lý, không để bệnh dại lây lan. Đến nay, xã Nam Chính đã tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo gần 200 liều vắc-xin.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người thông qua các chất bài tiết có chứa vi rút dại từ vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% cho người và động vật. Nguyên nhân phát sinh bệnh dại chủ yếu là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để. Hiện tượng chó, mèo nuôi thả rông, không được quản lý vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương. Để ngăn chặn khả năng bệnh dại trên động vật, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, huyện Tiền Hải chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các thôn, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân và các đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo rà soát số lượng chó, mèo nuôi thực tế và đôn đốc công tác tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiền Hải có gần 12.000 con chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt trên 5.650 liều, chiếm gần 50% tổng đàn. Ngoài triển khai biện pháp tiêm phòng, huyện cũng tăng cường nhắc nhở và yêu cầu chủ vật nuôi phải tổ chức quản lý vật nuôi không để thả rông ra đường. Khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt. Hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc-xin dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn. Trường hợp gia đình nào có vật nuôi cố tình không tiêm phòng sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày