Chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ mùa năm 2021, thời vụ gieo cấy khá tập trung. Trà lúa mùa sớm cấy kết thúc trước ngày 5/7, trà lúa mùa đại trà cấy tập trung từ 5 - 15/7; đến ngày 20/7 toàn tỉnh cơ bản gieo cấy xong; kết thúc sớm hơn từ 5 - 7 ngày so với vụ mùa năm 2020. Hiện tại, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến làm đòng; trà đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến bắt đầu phân hóa. Dự kiến, lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/9.
Trên thửa ruộng trải dài, xanh mướt của lúa thì con gái, bà Vũ Thị Xuyên, xã Bình Định (Kiến Xương) nhổ cỏ, chăm sóc lúa mùa. Bà Xuyên cho biết: Thực hiện theo hướng dẫn của HTX, tôi đã bón phân sớm, tập trung, cân đối cho toàn bộ diện tích lúa mùa của gia đình; đồng thời duy trì mực nước nông thường xuyên cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế bệnh bạc lá lúa và đốm sọc vi khuẩn, tạo giàn lúa khỏe, chống đổ tốt.
Vụ mùa năm 2021, huyện Kiến Xương gieo cấy 11.158ha. Đến nay, trà lúa mùa sớm của huyện đang trong giai đoạn đứng cái đến làm đòng; lúa mùa đại trà đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn các HTX chỉ đạo thành viên khẩn trương dặm tỉa để bảo đảm mật độ, đồng thời bón thúc hết lượng phân thúc còn lại với những diện tích chưa bón hết phân; với những diện tích cấy muộn khẩn trương bón hết phân thúc 1 lần khi lúa đã bén rễ hồi xanh để giúp cây lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Giữ lớp nước nông từ 3 - 5cm trong giai đoạn đẻ nhánh để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế cỏ dại và lúa cỏ mọc. Giai đoạn lúa đẻ kín đất (đẻ nhánh tối đa) nên rút nước từ 5 - 7 ngày để ruộng nẻ chân chim giúp hạn chế việc đẻ nhánh vô hiệu của cây lúa, tập trung dinh dưỡng nuôi nhánh hữu hiệu, đồng thời giúp cho bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng chống đổ cho cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng đến trỗ bông để lớp nước nông giúp thuận lợi cho quá trình phân hóa đòng, trỗ thoát nhanh và vào chắc.
Cùng với việc chăm sóc để lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, các địa phương cần chủ động phòng, trừ các sâu bệnh tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan hại lúa.
Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Từ nay đến cuối vụ, thời tiết và sâu bệnh hại còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ở thời điểm tuần 2 tháng 8, các địa phương cần chú ý sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm và bệnh khô vằn. Cụ thể: trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 rộ trên đồng ruộng từ ngày 2 - 9/8, sâu non nở rộ từ ngày 9 - 16/8 gây hại lá đòng và lá công năng trên trà lúa trỗ bông trước ngày 10/9 của các huyện phía Bắc và trà lúa trỗ bông trước ngày 5/9 của các huyện phía Nam. Dự báo, mật độ sâu cuốn lá nhỏ ở cao điểm này từ 40 - 50 con/m2, nơi cao từ 150 - 200 con/m2, nếu không tổ chức phòng, trừ sẽ gây trắng cho lá đòng và lá công năng. Ở một số vùng của các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy và thành phố Thái Bình có mật độ sâu đục thân hai chấm cao hơn so với vụ mùa năm 2020. Ngoài ra, do nắng nóng nên bệnh khô vằn cũng phát sinh, gây hại nặng trên một số giống nhiễm, diện tích gieo thẳng, cấy dày, bón thừa đạm ở giai đoạn lúa phân hóa đòng trở đi với tỷ lệ trung bình từ 3 - 5%, nơi cao 10 - 20%, cá biệt 30 - 40%. Để bảo vệ lúa mùa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm từ ngày 11 - 14/8 cho trà lúa trỗ bông trước ngày 10/9 ở các huyện phía Bắc và trà lúa trỗ bông trước ngày 5/9 ở các huyện phía Nam tỉnh. Diện tích phòng, trừ đợt này khoảng 35.000ha. Đối với bệnh khô vằn, cần kiểm tra và khuyến cáo nông dân chú trọng đến các chân ruộng thiếu nước, gieo cấy mật độ dày để chủ động phòng, trừ khi lúa có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10% trở lên.
Bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến thời tiết và thực hiện nghiêm quy trình hướng dẫn của ngành Nông nghiệp trong chăm sóc, bảo vệ lúa mùa là cơ sở để các địa phương và bà con nông dân giành vụ lúa mùa thắng lợi.
Nông dân xã Bình Định (Kiến Xương) chăm sóc lúa mùa.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu