Thứ 6, 29/11/2024, 12:43[GMT+7]

Tập trung cao độ phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 3, 24/08/2021 | 08:30:55
2,829 lượt xem
Qua kiểm tra trên đồng ruộng, sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh hại khác đang phát sinh với mật độ cao, diện phân bố rộng trên diện tích lúa mùa ở hầu hết các huyện, thành phố, có nguy cơ giảm năng suất nghiêm trọng hoặc không cho thu hoạch nếu không tổ chức phòng, trừ kịp thời.

Hợp tác xã DVNN xã Trung An (Vũ Thư) sử dụng máy phun thuốc trừ sâu không người lái trong chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

Ngay sau cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình sâu bệnh hại lúa mùa và các giải pháp chỉ đạo, huyện Thái Thụy đã khẩn trương tổ chức họp tới các xã, thị trấn; ban hành chỉ thị, công điện yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại nhằm bảo vệ an toàn diện tích lúa mùa.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Vụ mùa năm 2021, sâu đục thân hai chấm có mật độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 2 - 3 lần, diện phân bố rộng, tập trung tại các xã phía Bắc huyện, có diện tích lúa trỗ sớm như Thụy Hưng, Thụy Việt, Thụy Văn, Thụy Bình, Dương Phúc, Thụy Trình, Hồng Dũng và một số xã khu Nam huyện như Sơn Hà, Dương Hồng Thủy, Hòa An, Thái Giang... Dự tính, thời gian sâu non nở rộ kéo dài từ ngày 24/8 - 7/9, gồm 2 cao điểm, cao điểm 1 từ ngày 24 - 28/8, chiếm khoảng 75% sâu nở; cao điểm 2 từ ngày 3 - 7/9, chiếm 25% sâu nở, trùng với thời kỳ lúa làm đòng, trỗ bông. Vì vậy, sâu non đợt này sẽ gây thui đòng, bông bạc cho toàn bộ diện tích lúa trỗ trước ngày 15/9 nếu không có biện pháp chỉ đạo, phun trừ quyết liệt, kịp thời. Trước tình hình trên, UBND huyện đã phát động chiến dịch phun thuốc trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 26 - 30/8 cho toàn bộ diện tích lúa mùa, trong đó diện tích lúa trỗ trước ngày 15/9 và những vùng có mật độ cao phòng, trừ sâu đục thân hai chấm là chính, diện tích trỗ sau ngày 15/9 tập trung phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ là chính.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hưng Hà kiểm tra mật độ trứng sâu đục thân trên đồng ruộng.

Huyện Quỳnh Phụ phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân hai chấm từ ngày 25 - 29/8, trong đó, những vùng có mật độ sâu cao, ổ trứng từ 0,5 - 1 ổ/m2 trở lên cần theo dõi, khoanh vùng để phòng, trừ lại lần 2 sau lần 1 từ 7 - 10 ngày. 

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là đợt phòng, trừ sâu bệnh quan trọng quyết định đến năng suất lúa vụ mùa năm 2021; do vậy, nếu xã, thị trấn nào tổ chức phòng, trừ không tốt, để sâu bệnh hại làm giảm năng suất, sản lượng lúa mùa thì lãnh đạo địa phương, HTX phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Huyện cũng chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Đội Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện, kiên quyết xử lý các vi phạm, không để thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh.

Hiện nay, lúa mùa trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn phân hóa đòng, một bộ phận nhỏ đã bắt đầu trỗ bông. Dự kiến, lúa trỗ bông tập trung từ ngày 5 - 15/9. Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sâu đục thân hai chấm phát sinh trên đồng ruộng với mật độ rất cao, gấp 4 - 5 lần so với cùng kỳ nhiều năm, diện phân bố rộng tương tự vụ mùa năm 2014. Có khoảng 50.000ha lúa mùa của các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư và thành phố Thái Bình có nguy cơ bị sâu đục thân hai chấm gây hại, làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không tổ chức phòng, trừ kịp thời. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ mật độ từ 50 - 70 con/m2 xuất hiện trên lúa mùa của các huyện Tiền Hải, Kiến Xương gây hại trực tiếp lá đòng và lá công năng. Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 24 - 29/8; lịch phòng, trừ có thể sớm hơn hoặc muộn hơn 1 ngày tùy tình hình thời tiết và sâu bệnh của từng địa phương. Tuy nhiên, những vùng có nguồn sâu đục thân hai chấm cao, mật độ ổ trứng từ 0,5 - 1 ổ/m2 trở lên cần khoanh vùng để phòng, trừ lại lần 2 sau lần 1 từ 7 - 10 ngày.

Trong bối cảnh các ngành sản xuất trong tỉnh đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ mùa nói riêng có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các công điện khẩn về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa; vì vậy, các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh hại theo chỉ đạo của tỉnh, khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Ngân Huyền

(Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật) 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày