Thứ 6, 29/11/2024, 09:35[GMT+7]

Hiệu quả chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ

Thứ 3, 07/09/2021 | 08:35:56
1,866 lượt xem
Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã tích cực hỗ trợ người chăn nuôi thông qua việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của trung ương và của tỉnh với nhiều nguồn vốn khác nhau, góp phần tăng năng suất, chất lượng chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như ông Phạm Văn Toán, xã Minh Quang (Kiến Xương).

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân một cách bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án tái cơ cấu giống gia súc trong chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016 - 2020. Tổng kinh phí thực hiện chính sách gần 32 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 914.848 liều tinh lợn các loại cho 187.565 lượt hộ chăn nuôi, phối giống nhân tạo cho bò (hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên, mua bình ni tơ...).

Anh Lương Văn Mạnh, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương là 1 trong 30 dẫn tinh viên được hỗ trợ đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo cho bò theo chương trình hỗ trợ từ Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, anh Mạnh đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đến bà con chăn nuôi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo thay cho việc phối giống trực tiếp cho bò sinh sản; chuyển giao kỹ thuật nuôi bò, tận tình hướng dẫn bà con chăn nuôi về cách chăm sóc, quản lý, phòng ngừa dịch bệnh và theo dõi thời điểm phối giống thích hợp cho bò để đạt hiệu quả cao nhất. Ông Phạm Văn Toán, xã Minh Quang (Kiến Xương) cho biết: Trước đây, đàn bò cái của gia đình tôi đều phối giống theo phương pháp phối giống trực tiếp nên bê cái sinh ra lớn chậm, hiệu quả chăn nuôi không cao. Gia đình tôi được anh Mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc thụ tinh nhân tạo cho bò, hướng dẫn nắm bắt kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đồng thời phối giống cho đàn bò của gia đình bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau khi bò cái được phối có thai, gia đình kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn so với bò địa phương.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Nhờ cơ chế hỗ trợ đã đào tạo được đội ngũ dẫn tinh viên cho bò có tay nghề vững vàng, là cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi toàn tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ đã cải thiện khâu yếu nhất của chăn nuôi nông hộ đó là chất lượng con giống, giúp tăng tỷ lệ đàn lợn nái, đàn bò cái sinh sản nuôi trong nông hộ được phối giống với các giống lợn, bò có năng suất, chất lượng cao, tạo ra con giống có chất lượng cao hơn, từ đó tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi. Thông qua việc hỗ trợ thực hiện thụ tinh nhân tạo, đến nay tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn lợn của tỉnh đạt trên 90%, đàn lợn đực giống giảm còn 17 con so với trước khi triển khai Quyết định số 50 là 150 con, trọng lượng lợn hơi xuất chuồng tăng cao, chất lượng thịt cao hơn. Chương trình phối giống nhân tạo cũng góp phần cải tạo đàn bò lai Sind ngày càng tăng, thay thế giống bò vàng truyền thống trước đây. Từ năm 2017 - 2020, toàn tỉnh đã có trên 10.500 con bê được sinh ra từ hỗ trợ liều tinh, tỷ lệ đàn bò sinh sản được phối giống nhân tạo đạt trên 30%, trước đây chỉ khoảng 10%.

Mặc dù khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại lớn, quy mô tập trung song với đặc thù của tỉnh đồng bằng “đất chật người đông”, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn đóng góp nhất định trong giá trị sản xuất chăn nuôi, giúp ổn định sinh kế cho người dân. Do đó, ngành Nông nghiệp đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên cơ sở kế thừa và bổ sung một số cơ chế, chính sách mới bảo đảm phù hợp với Luật Chăn nuôi, thực tế thị trường và yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân, góp phần thúc đẩy chăn nuôi nông hộ phát triển chuyên nghiệp, bền vững, an toàn dịch bệnh.

Trên 90% đàn lợn nái sinh sản được thụ tinh nhân tạ. Trong ảnh: Chăn nuôi lợn nái sinh sản của hộ ông Lê Văn Giáp, thôn Ngõ Mưa, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ).

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày