Thứ 6, 22/11/2024, 23:45[GMT+7]

“Thời điểm vàng” loại trừ lúa cỏ trên đồng ruộng

Thứ 4, 15/09/2021 | 08:31:30
725 lượt xem
Hiện nay, lúa mùa đại trà trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn trỗ bông tập trung. Cùng với việc tuân thủ các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp về phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa, tại một số vùng nhiễm lúa cỏ, đây là “thời điểm vàng” để nông dân loại trừ dịch hại mới này.

Nông dân xã Lê Lợi (Kiến Xương) cắt bỏ diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ nặng.

Vụ mùa năm 2021, xã Lê Lợi (Kiến Xương) gieo cấy 403,6ha. Đây là vụ thứ ba trên địa bàn xã ghi nhận sự xuất hiện của lúa cỏ với diện tích bị nhiễm ngày càng tăng. Ông Dư Ngọc Giang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi ghi nhận có 3 dạng hình lúa cỏ xuất hiện rải rác trên cánh đồng: loại có hình dáng giống lúa thường nhưng khi trỗ hạt có râu; loại có thân mảnh, trên lá có vết bệnh đốm nâu nhiều hơn bình thường; loại có hình dáng giống lúa nếp nhưng khi trỗ hạt màu đỏ, nếu để chín hạt rắn không ăn được. Lúa cỏ phát triển nhanh, tác động và kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển của lúa cấy. Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân tập trung nhổ bỏ, tiêu hủy ở giai đoạn lúa đẻ nhánh nhưng tỷ lệ lúa cỏ trên đồng ruộng vẫn còn nhiều. Giai đoạn lúa trỗ bông là thời điểm dễ nhận biết, phân biệt lúa cỏ nhất nên HTX đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân kiểm tra đồng ruộng, cắt bỏ những bông lúa cỏ và tiêu hủy theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Trong đó có trên 1 mẫu ruộng gieo thẳng nhiễm lúa cỏ nhiều, HTX đã vận động người dân cắt bỏ toàn bộ ruộng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương cho biết: Từ vụ mùa năm 2020 đến nay, trên đồng ruộng xuất hiện một số dạng hình lúa cỏ. UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, Trạm đã tập trung hướng dẫn, tổ chức tập huấn, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng, trừ lúa cỏ phù hợp với từng giai đoạn. Ở vụ mùa năm 2021, các địa phương đã tổ chức cấy lại gần 11ha, cắt bỏ tiêu hủy hoàn toàn 1ha và thực hiện nhổ bỏ, tiêu hủy lúa cỏ trên nhiều diện tích lúa cấy bị nhiễm rải rác. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Trạm, trên đồng ruộng hiện nay diện tích lúa xuất hiện lúa cỏ còn khoảng 25ha, tập trung ở các xã: Trà Giang, Lê Lợi, Hồng Thái, Quốc Tuấn, Bình Nguyên, Nam Cao, Đình Phùng, Vũ Công, Vũ Hòa, thị trấn Kiến Xương. Hiện lúa cỏ đang trong giai đoạn trỗ bông - phơi màu, là “thời điểm vàng” để nhận biết, tiêu diệt triệt để. Trạm đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn đôn đốc các địa phương tăng cường chỉ đạo phòng, trừ lúa cỏ, đồng thời đề nghị các HTX tăng cường hướng dẫn nông dân các đặc điểm của lúa cỏ, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi phát hiện ruộng xuất hiện cây lúa có đặc điểm: cây cao, lá mềm, trỗ bông sớm, hạt có thể có râu đỏ hoặc trắng, hạt tròn hoặc cây lúa thân thấp, thân mảnh, trên lá có vết bệnh đốm nâu nhiều hơn bình thường... cần phải nhổ bỏ hoặc thường xuyên cắt các bông lúa cỏ khi chưa chín tránh hạt rụng xuống đất lây nhiễm cho vụ sau. Thời gian để xử lý lúa cỏ không còn nhiều, nếu nhổ bỏ thực hiện không đúng thời điểm thì lúa cỏ vẫn có khả năng tồn tại trong đất, sinh trưởng và gây mất mùa ở các vụ sau là rất lớn. Việc nhổ bỏ, khử lẫn, tiêu hủy triệt để lúa cỏ cần thực hiện đồng loạt, cả trên đường đi, bờ mương; không được để lúa cỏ trên ruộng, bờ ruộng, kênh mương, cần thu gom phơi khô, đốt bỏ, tiến hành cắt bỏ cỏ lồng vực các loại và vệ sinh đồng ruộng.

Không chỉ có Kiến Xương, trên địa bàn huyện Vũ Thư cũng ghi nhận sự xuất hiện của lúa cỏ với diện tích bị nhiễm khoảng 3ha, tập trung ở các xã: Vũ Hội, Tự Tân, Duy Nhất, Hòa Bình, Song Lãng, Minh Khai, Việt Hùng. Bà Lê Thị Thu Hồi, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Nhờ cán bộ kỹ thuật phối hợp chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, các biện pháp phòng, trừ lúa cỏ được nông dân hưởng ứng làm theo, lúa trỗ đến đâu kiểm tra, cắt bỏ và tiêu hủy đến đó.

Lúa cỏ, còn gọi là lúa ma, lúa trời, lúa hoang có nhiều đặc điểm thích nghi trên chân ruộng nên rất khó tiêu diệt. Để hạn chế nguy cơ lây lan và mức độ thiệt hại do lúa cỏ gây ra, ngành Nông nghiệp khuyến cáo đối với những ruộng lúa bị nhiễm, cần phải nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay, thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi chưa chín, đem đi tiêu hủy. Những diện tích lúa bị nhiễm trên 60% cần nhanh chóng tiêu hủy (cắt, đốt toàn bộ) nhằm tránh để hạt lúa cỏ chín, rơi rụng trên ruộng, sau đó tiến hành cày lật gốc, ngâm dầm cho thối hạt.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương kiểm tra diện tích nhiễm lúa cỏ.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày