Thứ 6, 29/11/2024, 07:44[GMT+7]

Hưng Hà: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Thứ 2, 20/09/2021 | 09:58:28
938 lượt xem
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hưng Hà nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Hưng Hà đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chi phí đầu tư cho mỗi sào trồng dưa lưới khoảng 110 triệu đồng.

UBND huyện đã bám sát các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 để tập trung chỉ đạo thực hiện; trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với quy vùng sản xuất tập trung hướng đến sản xuất theo quy mô hàng hóa chất lượng cao. Toàn huyện có 3 vùng quy hoạch gồm: vùng từ 200 - 300ha, vùng từ 150 - 200ha, vùng từ 100 - 150ha, phương thức luân canh đều là 2 vụ lúa chất lượng cao và 1 vụ màu. Nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, kháng chịu sâu bệnh đã được lựa chọn đưa vào sản xuất như BC15, TBR1, TBR225, Kim cương 111, Nam hương 4...  Các loại cây màu có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ tốt như ngô, dưa, khoai lang... được đưa vào sản xuất tập trung ở nhiều địa phương. Ngoài ra, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Tổng diện tích đã tập trung tích tụ của toàn huyện đạt trên 2.550ha, trong đó có khoảng 696ha diện tích đất tích tụ từ 1ha trở lên của 174 tổ chức, cá nhân. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị phát triển, điển hình như mô hình trồng sen của HTX Hoa sen Vân Đài, xã Chí Hòa; mô hình trồng dưa lưới ở xã Tiến Đức; mô hình trồng thanh long ở xã Hồng Minh; khoai lang vụ xuân ở xã Tây Đô; mô hình trồng rau màu ở các xã Hồng An, Dân Chủ, Điệp Nông; mô hình trồng ngô nếp, cây dược liệu ở xã Thống Nhất... Liên kết chuỗi trong sản xuất đã góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, vì vậy giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt ngày càng được nâng cao. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt của huyện đạt trên 1.013 tỷ đồng, đạt gần 61% kế hoạch năm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung chỉ đạo mở rộng, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Đến nay huyện đã quy hoạch 153 điểm chăn nuôi tập trung, diện tích 691,12ha và 7 điểm quy hoạch nuôi cá lồng trên 3 sông lớn là sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý. Phương thức chăn nuôi được chuyển đổi theo quy mô gia trại, trang trại; ưu tiên phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn có liên doanh, liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường. Chăn nuôi nông hộ từng bước tổ chức lại theo hướng chăn nuôi chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học và bền vững. Toàn huyện hiện có 176 trang trại, 2.040 gia trại sản xuất hiệu quả. Tổng đàn đại gia súc trên 15.750 con trâu, bò, trong đó mới phát triển thêm được 1 trang trại bò với hơn 300 con ở xã Hồng An. Tổng đàn lợn đạt gần 105.000 con (cao nhất tỉnh). Tổng đàn gia cầm đạt trên 2,2 triệu con. Chăn nuôi phát triển đa dạng theo hướng chăn nuôi sạch ở các xã Duyên Hải, Điệp Nông, Hồng Minh, Tân Lễ, Tân Hòa, Minh Khai, Đông Đô. Nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển, các giống cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá chép giòn, cá lăng... được nuôi tập trung trên sông. Hiện toàn huyện có 188 lồng cá (tăng 28 lồng so với cuối năm 2020) tại các xã Hồng An, Điệp Nông, Độc Lập, Tân Lễ và thị trấn Hưng Nhân.

Đồng chí Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất bãi; lựa chọn bộ giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với đồng đất; lựa chọn các loại cây màu có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu, mở rộng diện tích cây màu vụ xuân, vụ hè; quy hoạch vùng cây ăn quả, cây dược liệu và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm và chế biến nông sản; phấn đấu có từ 8 - 10 mô hình sản xuất lúa có liên kết bao tiêu sản phẩm diện tích từ 1.000 - 1.500ha; có từ 1.000 - 1.200ha đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo hướng công nghiệp gắn liền với việc bảo đảm an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 78 triệu đồng vào năm 2025.

Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp gia đình anh Đồng Quang Tình, xã Liên Hiệp (Hưng Hà) nâng cao thu nhập.

Đồng chí Nguyễn Kim Nhẩn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hải (Hưng Hà)

Xã Duyên Hải hiện có 339 hộ chăn nuôi lợn với trên 20.500 con. Địa phương đã tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, vận động nhân dân đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, số hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại chiếm 70% số hộ chăn nuôi trong toàn xã, trong đó phần lớn là chăn nuôi khép kín. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lại, chúng tôi đang vận động họ chăn nuôi xa khu dân cư, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học và vệ sinh môi trường.

Chị Trần Thị Nhàn, xã Tiến Đức (Hưng Hà)

Tôi thuê lại 1,7 mẫu đất ven sông Hồng trên địa bàn xã để trồng dưa lưới. Dưa được trồng trong nhà lưới hiện đại, được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, gắn các thiết bị thông minh như cài đặt các thông số về ánh sáng, nhiệt độ giúp cây phát triển nhanh. Mỗi cây dưa được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý, gối liên tục 3 vụ một năm. Do trồng trong nhà lưới nên gần như không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tôi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua hoa quả sạch nên toàn bộ dưa sau khi thu hoạch công ty đến thu mua tận vườn. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình thu về khoảng 400 triệu đồng.


Đào Quyên



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày