Nỗ lực tái đàn chăn nuôi
Gia đình ông Đào Duy Hiền, thôn Thượng Hạ Phán, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) duy trì nuôi 4.000 gà thịt với 5 chuồng nuôi. Trung bình mỗi tháng ông xuất bán 1.000 con. Để bảo đảm việc tái đàn được hiệu quả, ông Hiền lựa chọn mua con giống tại các công ty có uy tín. Ông cho biết: Con giống là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Vì vậy, tôi luôn chọn mua gà giống tại các công ty có uy tín. Tuy giá mua của công ty cao hơn mua ở cơ sở ấp nở bên ngoài khoảng 4.000 đồng/con nhưng chất lượng con giống bảo đảm, gà được tiêm phòng 5 bệnh cơ bản nên giảm tối đa rủi ro trong chăn nuôi.
Bằng cách tận dụng nguyên liệu sẵn có sản xuất thức ăn tự chế đã giúp ông Lê Văn Tắc, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) duy trì tổng đàn, vượt qua khó khăn do giá thức ăn không ngừng tăng cao hiện nay. Ông Tắc cho biết: Với tổng diện tích trang trại hơn 4.000m2; trong đó 1 mẫu ao nuôi cá và khu nuôi gà thả vườn, gia đình tôi duy trì từ 500 - 1.000 con gà/lứa tùy từng thời điểm. Năm 2018 tôi được tham gia mô hình “Sản xuất thức ăn viên khô tự chế có phối trộn thảo dược trong chăn nuôi gia cầm” của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình. Được cán bộ Trung tâm hướng dẫn, tôi đã áp dụng thành thạo quy trình tự phối trộn thức ăn cho gà thịt thương phẩm. Từ những nguyên liệu sẵn có như ngô, thóc, cám gạo, cá tạp, ốc..., tôi đưa vào máy nghiền nhỏ, phối trộn theo tỷ lệ thích hợp (tùy theo từng loại gà và lứa tuổi gà). Hỗn hợp nguyên liệu này sau đó đưa vào máy đùn ép thành viên, đem phơi khô bảo quản cho gà ăn dần. Thức ăn tự sản xuất vẫn bảo đảm chất dinh dưỡng cho đàn gà sinh trưởng, phát triển mà giá thành giảm được 1.300 - 1.500 đồng/kg so với thức ăn hỗn hợp trên thị trường.
Tổng đàn lợn của huyện Vũ Thư hiện có trên 100.000 con, giảm so với thời điểm trước khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhằm từng bước khôi phục và phát triển ổn định chăn nuôi lợn, huyện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tái đàn lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Huyện chỉ đạo các địa phương định hướng mở rộng phương thức chăn nuôi công nghiệp quy mô trang trại, có liên kết gắn với nhu cầu thị trường; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Từng bước hình thành các chuỗi liên kết, thành lập thêm tổ hợp tác, HTX trong chăn nuôi lợn. Toàn huyện hiện có 3 tổ hợp tác chăn nuôi lợn và 1 HTX chăn nuôi tổng hợp. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại, hộ chăn nuôi tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các khu chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo đúng quy định. Phấn đấu đến hết năm 2021 tổng đàn lợn của huyện đạt trên 153.000 con.
Theo Cục Thống kê tỉnh, việc phát triển đàn lợn trong thời gian qua đã có tín hiệu tốt, một phần các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa đã quay trở lại nuôi. Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 8 ước đạt 683.500 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt gần 100.000 tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm tại thời điểm tháng 8 đạt 13,8 triệu con, tăng 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tính chung 8 tháng ước đạt 35,8 nghìn tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm các loại 8 tháng ước đạt 218,1 triệu quả, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Để hạn chế rủi ro trong tái đàn, người chăn nuôi cần cập nhật tình hình thị trường và căn cứ vào diễn biến dịch Covid-19 cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm các quy định trong chăn nuôi. Từ đó cần cân nhắc, tính toán việc tái đàn hợp lý tùy theo quy mô. Trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; nhập con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Khuyến khích nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Sử dụng thức ăn viên tự chế giúp người chăn nuôi giảm chi phí mà vẫn bảo đảm sinh trưởng, phát triển của vật nuôi.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024