Thứ 6, 27/12/2024, 08:29[GMT+7]

Khẩn trương tiêu thoát nước, giữ an toàn cho lúa, rau màu

Thứ 7, 25/09/2021 | 20:27:08
1,578 lượt xem
Từ ngày 22/9 đến 7 giờ ngày 25/9 trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 117 - 350mm, mưa lớn kéo dài đã làm đổ, ngập một số diện tích rau màu, lúa đang trong giai đoạn chín đến thu hoạch.

Trạm bơm Lịch Bài vận hành từ 8 giờ ngày 25/9.

Lượng mưa đo được từ ngày 22/9 đến 7 giờ ngày 25/9 tại thị trấn Kiến Xương là 280mm, tại xã Vũ Hòa là 296,6mm. Mưa lớn đã gây đổ, ngập khoảng 600ha lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kiến Xương cho biết: Để nhanh chóng hạ thấp mực nước trong đồng, Xí nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị, HTX khẩn trương khơi thông dòng chảy trên hệ thống sông trục, đồng thời mở các cống tiêu ngang để khai thác tối đa khả năng tiêu tự chảy. Sáng ngày 25/9, Xí nghiệp đã vận hành 2 trạm bơm: Lịch Bài (vận hành lúc 8 giờ), An Quốc (vận hành lúc 10 giờ) với 20 máy bơm, tổng công suất 62.000m3/giờ để bơm tiêu chống úng cho diện tích lúa bị đổ.

Ông Phạm Văn Học, nông dân xã Vũ Hòa (Kiến Xương) cho biết: Vụ mùa năm nay, tuy sâu bệnh hại nhiều hơn so với cùng kỳ mọi năm nhưng do được phun trừ kịp thời nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho năng suất cao. Tuy nhiên, mưa lớn trong thời gian dài khiến lúa đổ, ngập trong nước. Lúa đã đỏ đuôi nên nếu ngâm nước lâu ngày thì bông sẽ bị thối, hạt lên mộng. Ngay khi trời sáng, tôi đã phải tức tốc ra đồng để buộc dựng thành từng khóm, hy vọng bông lúa có thể tiếp tục quá trình sinh trưởng tốt nhất.

Tại huyện Vũ Thư, đến sáng ngày 25/9, diện tích lúa bị đổ, ngập trong nước khoảng 620ha, chủ yếu các xứ đồng ven làng, theo luồng gió và nơi lúa tốt. Hiện nay, địa phương đang chỉ đạo bà con xuống đồng buộc dựng lại diện tích lúa đổ, giảm tối đa thiệt hại có thể gây ra.

Ông Nguyễn Minh Sản, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Vũ Thư cho biết: Sáng ngày 25/9, Xí nghiệp đã khoanh vùng, vận hành trạm bơm Tân Phúc Bình với 10 máy bơm, tổng công suất 25.000m3/giờ để tiêu cục bộ cho xã Phúc Thành; vận hành trạm bơm Nguyên Tiến Đoài, chạy 5/7 máy bơm, tổng công suất 20. 000m3/giờ tiêu úng cho các xã: Vũ Tiến, Nguyên Xá. Ngoài ra, các vùng khác có khả năng tiêu tự chảy được lợi dụng thời gian thủy triều xuống thấp mở toàn bộ các cống dưới đê để tiêu. Căn cứ vào diễn biến thời tiết cũng như khả năng tiêu tự chảy của các cống chậm, Xí nghiệp sẽ xem xét đề xuất vận hành các trạm bơm để hạ thấp nhanh nhất mực nước trong đồng, hạn chế ảnh hưởng của mưa đối với sản xuất nông nghiệp.

Khẩn trương thu hoạch rau màu đến kỳ thu hoạch để hạn chế ảnh hưởng bất thuận của thời tiết.

Theo tổng hợp, mưa lớn đã làm đổ 4.024ha lúa, trong đó khoảng 3.000ha bị ngập nhẹ; 1.521ha rau màu bị ảnh hưởng. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố và hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình đã tiêu triệt để nước trên các kênh trong toàn hệ thống khi mực nước cho phép tiêu; sáng ngày 25/9 đã vận hành 12 trạm bơm tiêu úng: Hiệp Trung, Bồ Xuyên, Sa Lung, Tân Phúc Bình, Nguyên Tiến Đoài, Lịch Bài, An Quốc, Quỳnh Hoa, Đại Nẫm, Cao Nội, Khái Lai, Thủy Nguyên, Minh Tân, Hà Thanh, Tịnh Xuyên.

Hiện nay, lúa mùa đang trong giai đoạn chắc xanh đến đỏ đuôi, một số diện tích cấy sớm đã cho thu hoạch; nông dân đã gieo trồng được trên 6.000ha cây vụ đông. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa đã chín trên 80%, diện tích rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Linh hoạt, chủ động tiêu thoát nước để tránh gây ngập úng cho lúa và rau màu mới trồng; trong trường hợp cần thiết huy động mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để tiêu úng; có kế hoạch khoanh vùng ưu tiên tiêu thoát nhanh cho những diện tích bị ngập nặng cục bộ. Sau mưa, cần dựng buộc lại những diện tích lúa bị đổ; trồng dặm, trồng bù những diện tích cây vụ đông mới trồng bị gãy, đổ, dập nát do mưa lớn. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cây vụ đông cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết; chuẩn bị đủ nguồn hạt giống để đáp ứng đủ yêu cầu của sản xuất và dự phòng trong trường hợp phải gieo trồng lại. Sau mưa phải dọn vệ sinh, xới xáo phá váng trên mặt luống và tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng loại cây.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày