Thứ 2, 06/01/2025, 08:35[GMT+7]

Áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi gà Tò

Thứ 2, 04/10/2021 | 08:32:53
2,452 lượt xem
Được triển khai từ năm 2020, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chủ trì thực hiện đã bước đầu mang lại hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng giống gà Tò trên địa bàn tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra thực tế mô hình nuôi gà Tò tại gia đình ông Trần Văn Hoàn, thôn Tô Hải, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi giống gà Tò tại tỉnh Thái Bình; chọn lọc, nuôi giữ đàn gà Tò giống hạt nhân; xây dựng quy trình sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho gà Tò, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong đề tài là phương pháp thụ tinh nhân tạo và ấp nở bằng máy cho đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 1. Thời gian thực hiện đề tài trong 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2022.

Là 1 trong 2 hộ dân được chọn làm địa điểm thực hiện đề tài, ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Tô Hải, xã An Mỹ chia sẻ: Gia đình tôi nuôi giống gà Tò từ năm 2005 nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm từ đời ông cha để lại. Từ khi được tiếp nhận đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP”, được các cán bộ của tỉnh, của xã đến thăm, kiểm tra và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, gia đình tôi có chỗ dựa về khoa học kỹ thuật. Hiệu quả là tỷ lệ gà đẻ tăng so với phương pháp đẻ tự nhiên, tạo ra giống gà mang đặc điểm giống với giống gà Tò nguyên chủng từ 85 - 90%. Điều này đã đáp ứng được tâm nguyện của gia đình đó là khôi phục lại giống gà Tò nguyên chủng và phát triển thương hiệu gà Tò của xã An Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Hiện nay tại Thái Bình, giống gà Tò chủ yếu phát triển ở một số xã ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy và một số hộ dân ở huyện Vũ Thư. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông đã chọn lọc 50 con gà, trong đó có 43 gà mái, 7 gà trống mang đặc trưng của giống gà Tò nguyên chủng, có khả năng sinh sản tốt, tạo ra đàn gà hạt nhân thế hệ 1. Qua quá trình gà sinh sản, chọn 47 con gà Tò hạt nhân thế hệ 1, trong đó 40 gà mái, 7 gà trống, nuôi tại gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên. Trung tâm Khuyến nông đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, ấp nở nhân tạo, tạo ra đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2 với 82 con, trong đó 70 gà mái, 12 gà trống, nuôi tại nhà ông Trần Văn Hoàn, thôn Tô Hải, xã An Mỹ. Từ đó Trung tâm tiếp tục áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2 để chọn lọc ra đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 3 và đàn gà Tò thương phẩm để bàn giao cho các hộ khác tiếp tục nhân nuôi. Chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân nên phát triển giống gà này góp phần tạo ra đặc sản của xã An Mỹ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Qua đánh giá kết quả bước đầu thực hiện đề tài, với phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn gà Tò, tỷ lệ đẻ, ấp nở, gà con loại 1 tăng so với phương pháp tự nhiên. Cụ thể: tỷ lệ gà đẻ đạt khoảng 40%, tăng khoảng 10% so với phương pháp đẻ tự nhiên. Tỷ lệ trứng đạt tiêu chuẩn vào ấp đạt khoảng 96%, tăng khoảng 5%; ấp nở tăng 9,51%; gà con loại 1 đạt 5,15%.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình tiếp theo của đề tài nhằm chọn tạo ra giống gà Tò đạt gần với mức gà Tò nguyên chủng. Tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi các chỉ tiêu sinh sản của đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 1, 2, 3 và đàn gà Tò thương phẩm. Đồng thời, tập huấn chuyển giao quy trình thụ tinh nhân tạo, ấp nở trứng gà Tò bằng máy cho các hộ dân nuôi gà Tò tại địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu gà Tò, xã An Mỹ trở thành sản phẩm OCOP.

Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chủ trì thực hiện đã bước đầu mang lại hiệu quả cho các hộ chăn nuôi. Khi giống gà Tò, xã An Mỹ được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã An Mỹ nói riêng, huyện Quỳnh Phụ và tỉnh Thái Bình nói chung. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất UBND tỉnh nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP thông qua sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của tỉnh Thái Bình. Từ đó, sẽ kết nối với các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của các tỉnh khác trong toàn quốc giúp các doanh nghiệp, các tổ chức được tiếp cận công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm chủ lực của địa phương.

Máy ấp trứng nhân tạo cho đàn gà Tò được sử dụng tại gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Tô Hải, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Thu Hoài 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày