Thứ 6, 29/11/2024, 02:58[GMT+7]

Lò sấy “đỏ lửa” sấy lúa cho nông dân

Thứ 7, 16/10/2021 | 10:14:30
3,399 lượt xem
Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão số 7, số 8, trên địa bàn tỉnh có mưa kèm theo gió lớn khiến hàng nghìn héc ta lúa đang trong giai đoạn chín bị đổ. Để bảo toàn năng suất lúa, các địa phương đã huy động nhân lực, phương tiện, thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch. Các cơ sở sấy lúa cũng đang hoạt động hết công suất để sấy khô lúa cho người dân, giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch.

HTX thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương) ưu tiên sấy lúa cho người dân nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch do mưa lớn.

Thuê, mượn ruộng của người dân trong xã gieo cấy 30 mẫu, anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng) trang bị các loại máy móc phục vụ cho sản xuất quy mô lớn, trong đó, lò sấy thóc được anh đặc biệt chú trọng để chủ động trong khâu thu hoạch. Với công suất lò sấy từ 8 – 15 tấn/mẻ, ngoài sấy thóc của gia đình, anh Tuân còn sấy thuê cho người dân, thương lái quanh vùng. Năm nay, mưa liên tiếp trong thời gian cao điểm thu hoạch lúa, người dân không thể phơi nắng nên nhu cầu sấy lúa tăng cao. 

Anh Tuân cho biết: Mưa nhiều đúng thời kỳ cây lúa chín rộ khiến bông thóc ngậm nước, rất dễ lên mộng nếu không được phơi, sấy kịp thời. Hiện tại, rất nhiều người dân liên hệ sấy thóc nhưng do công suất lò có hạn nên tôi ưu tiên sấy cho những diện tích lúa bị đổ, ngập hoặc lúa thu hoạch 2 – 3 ngày mà chưa hong phơi được. Để sấy một mẻ lúa mất từ 15 - 18 tiếng, thông thường, tôi sấy lúa ban đêm, ban ngày tập trung đóng bao rồi vận chuyển mẻ mới vào, sấy liên tục để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân.

Đầu tư 2 lò sấy với công suất 15 tấn/lò/mẻ từ năm 2019, trung bình mỗi vụ, HTX DVNN xã Bình Thanh (Kiến Xương) sấy thuê khoảng 300 tấn thóc cho các công ty, doanh nghiệp chế biến lúa gạo. Vụ mùa năm 2021, để hướng tới xây dựng thương hiệu gạo chợ Gốc, xã Bình Thanh đã thành lập HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh; HTX DVNN xã Bình Thanh đã chuyển giao toàn bộ 2 lò sấy cho HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh để đồng bộ hóa các khâu từ sản xuất đến chế biến. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh, kiêm Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Một tuần qua, hai lò sấy của HTX vận hành hết công suất, sấy được khoảng 150 tấn lúa tươi. Những vụ trước, chúng tôi chủ yếu sấy thuê cho các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, cùng một giống lúa trong một mẻ sấy tạo thuận lợi cho việc bốc dỡ, vận chuyển. Vụ mùa này, thời tiết mưa nhiều, lúa đổ nhiều nên HTX ưu tiên sấy cho người dân. Thóc ướt, số lượng nhỏ lẻ, nhiều giống lúa khác nhautrong một mẻ nên chúng tôi phải dùng lưới ngăn tránh lẫn tạp vì vậy công suất sấy giảm, việc vận chuyển cũng khó khăn hơn do không thể đưa máy móc vào. Thời tiết những ngày tới được dự báo còn mưa kéo dài, vì thế, HTX đã chủ động phân công công nhân, bảo đảm lò vận hành tối đa công suất phục vụ người dân.

Lò sấy lúa của Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long (Kiến Xương).

Là địa bàn có nhiều xã nằm ở khu vực trũng thấp, đến nay, huyện Kiến Xương đã thu hoạch được trên 7.200ha lúa mùa. Để hạn chế thiệt hại đến năng suất, bên cạnh việc huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa mùa, đồng thời buộc dựng những diện tích bị đổ, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân chủ động trong việc hong phơi tại gia đình, dàn mỏng trong phòng, dùng quạt máy để quạt cho lúa khô ráo khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận, không để lúa bị ẩm mốc; mặt khác có kế hoạch liên hệ với các đơn vị sấy lúa để đề phòng trong điều kiện bất lợi nhất của thời tiết.

Ngoài các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lúa gạo, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30 lò sấy lúa với công suất từ 8 – 20 tấn/lò/mẻ của các HTX, cá nhân tích tụ ruộng đất. Lò sấy được xây bằng những vật liệu rẻ tiền, sẵn có với nguyên tắc hoạt động đơn giản, đốt bằng than, trấu và thổi gió cưỡng bức bằng quạt điện, lúa được sấy khô bằng gió, hơi nóng; tổng đầu tư một lò sấy trên dưới 100 triệu đồng tùy công suất. Không chỉ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, thu hoạch; dùng lò sấy, thóc được sấy liên tục với nhiệt độ ổn định nên chất lượng, màu sắc gạo tốt hơn; tỷ lệ tấm giảm; độ ẩm hạt thóc đều, bảo quản được lâu hơn.

 Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày