Thứ 6, 29/11/2024, 02:53[GMT+7]

Hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm giống cao sản

Thứ 4, 20/10/2021 | 08:23:11
1,876 lượt xem
Để chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất chăn nuôi thủy cầm theo hướng hàng hóa và bền vững, năm 2021 Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện mô hình khuyến nông chăn nuôi vịt thương phẩm giống SHST53 theo hướng an toàn sinh học, có liên kết. Qua tổng kết, đánh giá, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều khả năng nhân rộng.

Tham gia mô hình, gia đình anh Phạm Hữu Phong, xã Thuần Thành (Thái Thụy) được hỗ trợ 1.500 con vịt cao sản SHST53.

Bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 định hướng tăng số lượng vịt hướng thịt giống cao sản lên trên 60% tổng đàn vịt; tăng quy mô, số lượng hộ chăn nuôi vịt hướng thịt giống cao sản theo phương thức nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi chuồng kín để tăng hệ số quay vòng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Giải pháp then chốt là lựa chọn, nhập nuôi và nhân rộng các giống vịt hướng thịt có năng suất, chất lượng cao, đề kháng dịch bệnh tốt. Vịt thịt thương phẩm SHST53 được tạo ra từ tổ hợp lai giữa vịt SH1 và vịt Star53 với những đặc điểm nổi trội về khả năng tăng trọng, tỷ lệ ức cao, thời gian nuôi rút ngắn từ 5 - 7 ngày so với các giống vịt hướng thịt khác. Vì vậy, việc du nhập, xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt lai SHST53 là phù hợp, giúp tăng sản lượng, chất lượng thịt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, qua đó tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Trong đó, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học là điều kiện cốt lõi để phát triển chăn nuôi bền vững.

Xuất phát từ thực tiễn trên, năm 2021 Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện mô hình khuyến nông “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt thương phẩm giống cao sản SHST53 an toàn sinh học theo chuỗi liên kết” với quy mô 10.800 con, 4 hộ tham gia tại 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải; trong đó, người chăn nuôi được hỗ trợ 50% con giống, 12,5% nhu cầu về thức ăn giai đoạn 29 ngày đến xuất chuồng, 50% nhu cầu vắc-xin thiết yếu. Trước khi đưa vịt về nuôi, các hộ được tập huấn kỹ thuật làm chuồng, vệ sinh phòng bệnh; nuôi với phương thức bán chăn thả, khoanh vùng khu vực nuôi, không nuôi chung với các đối tượng nuôi khác trong cùng khu vực nuôi, định kỳ thu gom rác thải, quét dọn sạch sẽ và rắc vôi bột khử trùng...

Gia đình chị Trần Thị Hoa, thôn Minh Khai, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) - một trong những hộ được hỗ trợ từ mô hình cho biết: Tôi cũng như nhiều bà con ở đây mặc dù đã gần 20 năm chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi thủy cầm nói riêng nhưng chủ yếu chỉ theo cách truyền thống, chăn thả tự do và không thực hiện tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ dẫn đến tình trạng chăn nuôi năm được năm mất, dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra. Được tập huấn và áp dụng kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tư vấn lựa chọn con giống, địa chỉ cung cấp con giống... đã giúp chúng tôi thay đổi thói quen chăn nuôi cũ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều năm nuôi vịt thịt, vịt đẻ với số lượng hàng nghìn con/lứa, anh Phạm Hữu Phong, xã Thuần Thành (Thái Thụy) - 1 trong 4 hộ tham gia mô hình rút ra một số kinh nghiệm để chăn nuôi vịt đạt hiệu quả cao như: phải nắm được đặc tính của từng loại con giống, nắm vững quy trình chăm sóc nuôi dưỡng; tuân thủ lịch tiêm phòng, sử dụng thức ăn đạt chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi riêng biệt. 

Tham gia mô hình với quy mô 3.000 con vịt cao sản SHST53, trong đó có 1.500 con được hỗ trợ giống, anh Phong chia sẻ: Nhờ thực hiện hình thức chăn nuôi tập trung, kiểm soát và quản lý tốt dịch bệnh, kỹ thuật làm chuồng trại tốt, tiêm phòng dịch tả, viêm gan, cúm H5N1... ở từng giai đoạn phát triển của vịt luôn bảo đảm nghiêm ngặt nên tỷ lệ hao hụt vịt không đáng kể, đàn vịt khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Sau 42 ngày nuôi, qua hạch toán, cứ 1kg vịt tiêu tốn 2,5kg thức ăn; chi phí vào 1kg vịt chưa tính công khoảng 35.000 đồng, với giá bán hiện tại đạt 42.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi con vịt người chăn nuôi thu lãi gần 20.000 đồng (chưa tính công chăm sóc). Đặc điểm của vịt cao sản SHST53 là có tỷ lệ thịt cao, tăng trọng nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thời gian nuôi ngắn hơn các giống vịt địa phương nhưng vẫn cho sản phẩm thịt chất lượng tốt, vịt đồng đều, dễ bán.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau 6 tuần nuôi vịt đạt trọng lượng trung bình 2,5kg/con, tỷ lệ nuôi sống 96%, tiêu tốn 2,46kg thức ăn/kg tăng trọng. Với giá bán tại thời điểm nghiệm thu 42.000 đồng, trừ chi phí vật tư mỗi con vịt người chăn nuôi thu về gần 18.000 đồng (bao gồm công chăm sóc).

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày