Thứ 6, 29/11/2024, 00:50[GMT+7]

Đông Hưng: Vượt khó sản xuất vụ đông

Thứ 2, 01/11/2021 | 08:23:31
912 lượt xem
Năm nay, dù gặp không ít khó khăn do mưa lớn kéo dài gây ngập úng, một số hộ phải dặm, trồng lại nhưng không vì thế mà nông dân huyện Đông Hưng bớt mặn mà với cây vụ đông bởi họ luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành.

Bí vẫn là cây trồng chủ lực trên đồng đất xã Đông Xá (Đông Hưng).

Xã Đông Xá vốn được coi là “thủ phủ” cây bí vụ đông của huyện Đông Hưng. Hàng năm, vào cuối tháng 9 khi lúa mới đỏ đuôi, nông dân xã Đông Xá đã rẽ lúa đặt bầu bí. Lúa thu hoạch xong thì nhiều ruộng bí đã ra hoa. Tuy nhiên, năm nay những đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 7, số 8 đã khiến bí mới trồng bị úng, héo, phát triển kém. 

Bà Trần Thị Thanh Hoài, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Vụ đông năm nay toàn xã phấn đấu trồng trên 170ha cây màu, trong đó 110ha bí, còn lại là rau màu các loại, hiện bà con đã trồng được 100ha bí. Ở đây bà con thường trồng bí sớm để bán đầu mùa vừa được giá vừa dễ bán. Song ngay đầu vụ, mưa nhiều gây khó khăn cho việc trồng, chăm sóc bí, HTX đã chủ động khơi thông dòng chảy cứu bí, đồng thời hướng dẫn bà con chăm sóc bí sau mưa úng nhưng vẫn có một số diện tích bị hỏng. 

Ông Nguyễn Quốc Việt, thôn Đông Bình Cách cho biết: Dù chỉ có một mình nhưng thấy trồng cây bí đông cho hiệu quả cao hơn nhiều trồng lúa, vì vậy năm nào tôi cũng trồng 7 sào đến 1 mẫu bí xanh, bí đỏ. Năm nay tôi vẫn chủ động trồng sớm song ông trời lại làm khó nông dân. Nếu như các năm trước, đến 20/10 bà con đã có bí để bán, năm nay cuối tháng 10 rồi mà bí mới có hoa, diện tích nào tốt hiện mới có quả nhỏ. Chúng tôi đang tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho bí theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Tôi sẽ tiếp tục trồng thêm khoai tây và các loại rau màu khác nếu nhận được giống hỗ trợ của tỉnh, của huyện. Mong thời tiết thuận lợi để cây vụ đông phát triển nhanh, mong năm nay vụ đông được mùa được giá.

Trên cánh đồng thôn Kim Châu 2, xã An Châu, nông dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi chăm sóc cho rau hồi xanh sau mưa úng, trồng bổ sung những diện tích bị héo, chết. 

Ông Nguyễn Đình Tam, thôn Kim Châu 2 cho biết: Năm nay đất ướt khó trồng rau, trồng xong mưa liên tục, nhà tôi đánh luống thật cao, do vậy chỉ một số cây bị héo, tôi đã dặm lại lần 3. Tôi tập trung kích rễ cho rau bằng cách phun siêu lân, khi cây rau hồi hẳn lại thì bón lân kết hợp đạm. Vụ này gia đình tôi trồng 4 sào su hào, bắp cải, súp lơ, dưa, trong đó 3 sào được tỉnh, huyện hỗ trợ hạt giống. Hai vợ chồng đã 70 tuổi, may có máy làm đất, máy lên luống hỗ trợ, chỉ tốn công trồng và chăm sóc. Nghe HTX thông báo tỉnh hỗ trợ giống khoai tây và rau để bà con trồng bù những diện tích bị chết và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông tôi rất mừng, tôi sẽ đăng ký để trồng tiếp.

Vụ đông năm nay, xã An Châu phấn đấu gieo trồng 170ha cây trồng các loại. Để khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con mở rộng diện tích, ngoài giống hỗ trợ của tỉnh, của huyện, HTX DVNN xã hỗ trợ bà con 3ha giống bắp cải. 

Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Đến nay toàn xã đã trồng được trên 140ha cây vụ đông, trong đó bí trên 50ha, dưa 6ha, còn lại là rau màu các loại. Do mưa nhiều, một số diện tích bí, rau của bà con bị héo, hỏng, có nhà phải dặm lại 2 - 3 lần. HTX đã hướng dẫn bà con cách chăm sóc để phục hồi những diện tích còn cứu được, với những diện tích cây bị chết thì tổ chức trồng lại, thay thế bằng những cây trồng khác như khoai tây, rau... song phải bảo đảm thời vụ. Dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch, tuy năng suất không cao bằng năm ngoái nhưng lại được giá, bà con rất phấn khởi. Dự kiến An Châu sẽ tiếp tục được nhận hỗ trợ giống trồng 100ha rau và trên 10ha khoai tây giống của tỉnh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau mưa bão. Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Kim Châu 2 phấn khởi cho biết: Gia đình đã trồng 4 sào su hào, súp lơ, ngô nhưng nếu được hỗ trợ giống chúng tôi sẽ nhận để trồng tiếp.

Vụ đông năm nay, huyện Đông Hưng phấn đấu trồng trên 4.800ha cây màu, đến nay đã gieo trồng được trên 2.600ha, chủ yếu là dưa, bí, ngô và rau ưa lạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 7, số 8 làm hầu hết diện tích cây vụ đông ưa ấm đã trồng bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị ảnh hưởng từ 70% trở lên là trên 950ha. 

Đồng chí Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Nhằm khắc phục hậu quả của bão, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021, huyện đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông tăng 15ha, tập trung vào cây vụ đông ưa lạnh với diện tích 3.300ha để bổ sung diện tích cây vụ đông ưa ấm bị thiệt hại. Kịp thời tiếp nhận, cấp phát gần 2.600ha giống khoai tây và rau màu các loại của tỉnh hỗ trợ cho bà con trồng. Bên cạnh đó, các địa phương huy động nhân lực, máy móc khắc phục ảnh hưởng của mưa bão, bảo vệ diện tích cây vụ đông đã trồng, chăm sóc cây giống chưa trồng, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh và bón phân cho cây đã trồng; tranh thủ làm đất để trồng cây vụ đông kịp thời vụ khi có giống.

Nông dân xã An Châu chăm sóc rau vụ đông.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày