Thứ 4, 01/01/2025, 11:20[GMT+7]

Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản bền vững

Thứ 3, 02/11/2021 | 08:19:04
2,898 lượt xem
Phát huy tiềm năng, lợi thế, Thái Bình phấn đấu phát triển sản xuất thủy sản bền vững, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025: tổng sản lượng đạt 291,3 nghìn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm trở lên, chiếm 20 - 22% tỷ trọng cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp.

Nông dân xã Thái Thượng (Thái Thụy) cải tạo ao đầm chuẩn bị nuôi thả tôm.

Giai đoạn 2016 - 2020, cùng với những khó khăn chung trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất thủy sản chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi khí hậu biến đổi bất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cạnh tranh thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng gay gắt đòi hỏi sản xuất phải gắn với tái cơ cấu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong khi tiềm lực kinh tế đầu tư phát triển sản xuất của người dân còn hạn chế, hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản thiếu đồng bộ, lực lượng lao động còn thiếu kỹ thuật... Song, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, vào cuộc có hiệu quả của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển sản xuất của tỉnh cùng nỗ lực vươn lên làm giàu từ hoạt động kinh tế thủy sản của người dân, sản xuất thủy sản của tỉnh giữ vững được tốc độ tăng trưởng, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 15.746,82ha, tăng 7% so với năm 2015; trong đó: diện tích nuôi trồng nước mặn đạt 3.169ha, nước lợ 3.638,21ha, nước ngọt 8.939,61ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt gần 169.000 tấn, tăng 42,1% so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện có 170ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha/vụ, 3 - 4 vụ/năm. Nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế. Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư trong tỉnh; giai đoạn 2016 - 2020, đã thả ra các thủy vực nước mặn, ngọt, vùng nước tự nhiên gần 1,5 triệu con giống thủy sản.

Trong hoạt động khai thác, cơ cấu tàu thuyền chuyển dịch theo hướng tăng tàu cá có công suất lớn khai thác xa bờ, khai thác có chọn lọc; giảm số tàu khai thác gần bờ và đẩy mạnh cơ giới hóa khai thác các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 783 tàu cá, giảm 444 tàu so với năm 2015, với tổng công suất 135.859CV, tăng 47.382CV so với năm 2015. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 ước đạt 91.401 tấn, tăng 42% so với năm 2015.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Trên cơ sở Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 5%/năm trở lên, chiếm 20 - 22% tỷ trọng cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp; đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3%/năm trở lên, trên 25% tỷ trọng cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp, mở rộng nuôi cá lồng trên sông, nuôi hàu trên bè, trên biển, phát triển sản xuất giống.

Mô hình nuôi cá trên ao bán nổi của anh Lại Văn Hòa, xã Tân Hòa (Vũ Thư) cho hiệu quả kinh tế cao

Bám sát định hướng phát triển ngành thủy sản bền vững, nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm và thu nhập của người dân, thời gian tới, ngành Nông nghiệp chú trọng điều tra, đánh giá hiện trạng, trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tổ chức điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm theo chuyên đề hàng năm làm cơ sở để quản lý, bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản vùng khơi, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Trong hoạt động nuôi trồng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản tập trung tích tụ đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, định hướng đến năm 2030 chuyển đổi khoảng 2.800ha diện tích đất bãi bồi, đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi; áp dụng quy trình công nghệ mới, cấp mã số cơ sở nuôi thủy sản... Chú trọng đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão: cảng cá Thụy Tân (cảng cá loại I), cảng cá Cửa Lân, cảng cá Tân Sơn; khu neo đậu tránh trú bão tại cửa sông Trà Lý, Cửa Lân, cửa sông Diêm Hộ...

Cùng với các chính sách phát triển thủy sản của trung ương, tỉnh bố trí nguồn vốn trung hạn ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh đã xuống cấp, không đồng bộ, vùng nuôi cá lồng trên sông..., đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho phát triển sản xuất, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản.

Cán bộ Chi cục Thủy sản tuyên truyền hiệu quả việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày