Thứ 4, 31/07/2024, 23:23[GMT+7]

Phát triển cây ngưu tất trở thành sản phẩm OCOP

Thứ 4, 10/11/2021 | 08:22:38
1,289 lượt xem
Chủ động đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm cây ngưu tất là một trong những giải pháp xã Thống Nhất (Hưng Hà) đang triển khai thực hiện nhằm phát triển cây ngưu tất trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) chăm sóc cây ngưu tất.

Là vùng trồng ngưu tất lớn của huyện, vụ đông này, xã Thống Nhất gieo trồng trên 80ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn An Mai, An Khoái... Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm, kiến thức nên diện tích cây ngưu tất trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng, cho giá trị kinh tế cao. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, thôn An Mai gieo trồng 8 sào, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Không chỉ bán củ tươi, ông Tiến còn sấy khô để bán với mức giá từ 60.000 - 64.000 đồng/kg. Ông cho biết: Cây ngưu tất dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng khó khăn nhất là khâu làm đất vì phải làm luống cao. Từ tháng 10, gia đình tôi đã tập trung làm đất, lên luống để gieo trồng. Hiện nay tôi đang tập trung làm cỏ và vun xới cho cây. Tôi thường xuyên tìm tòi những phương thức gieo trồng mới và chăm sóc theo đúng quy trình nên khi thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, mỗi sào tôi thu gần 1 tấn củ, cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần cấy lúa.

Không chỉ gia đình ông Tiến, hộ ông Nguyễn Văn Hưng, thôn An Mai cũng có diện tích trồng ngưu tất lớn của xã với thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. Ông Hưng cho biết: Mấy năm trở lại đây hệ thống giao thông nội đồng, mương máng được đầu tư nâng cấp nên rất thuận lợi cho việc tưới, tiêu, chăm sóc và thu hoạch. Bà con ai cũng phấn khởi khi được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho cây ngưu tất. Đây là chính sách rất phù hợp nhằm ổn định đầu ra và nâng giá thành sản phẩm, để người dân chúng tôi yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích gieo trồng.    

Cây ngưu tất đã bén rễ trên đồng đất Thống Nhất hơn 30 năm, trở thành cây trồng không thể thiếu trong mỗi vụ đông, mang lại no ấm cho người dân. Với đặc tính dễ trồng, sinh trưởng mạnh, chi phí đầu tư thấp (chỉ trên 1 triệu đồng/sào) nên phù hợp với người dân khi phải bỏ vốn đầu tư. Nhờ vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc cỡ lớn vào làm đất, lên luống và thu hoạch nên đã giảm ngày công lao động, tăng năng suất sản phẩm. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX DVNN xã Thống Nhất cho biết: Cây ngưu tất chiếm 40% diện tích cây vụ đông của xã. Mỗi năm từ vùng trồng ngưu tất thu được trên 20 tỷ đồng/vụ, là nguồn thu chính của nhiều hộ dân trong xã. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho cây trồng, chúng tôi đã thành lập HTX cây ngưu tất với 12 thành viên làm nhiệm vụ thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Đồng thời, là đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giải quyết nỗi lo về đầu ra và quảng bá thương hiệu cho bà con. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực nâng cấp hệ thống đường sá, mương máng để thuận lợi cho người dân sản xuất.

Việc phát triển cây ngưu tất thành sản phẩm OCOP là một trong những lợi thế giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích gieo trồng nhằm hướng đến sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương.

Nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) gieo trồng cây ngưu tất.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày