Thứ 5, 28/11/2024, 22:56[GMT+7]

Cung cấp giống tốt cho nông dân để sản xuất nhiều lúa gạo

Thứ 2, 15/11/2021 | 09:13:36
3,326 lượt xem
Năm 1966, bằng việc đưa các giống lúa mới, trong đó có giống Nông nghiệp 8 vào gieo cấy, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Sau đó, tầm quan trọng của giống lúa được nhận thức một cách đúng đắn, đưa tới sự hình thành của ngành giống cây trồng tại Thái Bình, sau là Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed). Từ một trại giống lúa cấp 1, sau 50 năm phát triển, ThaiBinh Seed là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, đi tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất lúa gạo.

Thời gian tới, ThaiBinh Seed tiếp tục phát triển thương hiệu gạo Thái Bình từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.

Tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha

Những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ XX, đồng đất Thái Bình cũng như đồng bằng sông Hồng thời ấy vẫn “chiêm khê, mùa thối”, “đồng chua, nước mặn”; vụ chiêm vẫn cấy giống lúa cũ năng suất thấp chỉ từ 2 - 2,5 tấn/ha/vụ; gieo cấy từ tháng 11, tháng 12, đến tháng 5 mới bắt đầu trỗ, gấp 1,5 lần thời gian sinh trưởng của các giống lúa hiện nay. Giữa lúc khó khăn ấy, Thái Bình vinh dự là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được tiếp nhận giống ngắn ngày Nông nghiệp 8 gieo cấy với chủ trương chuyển vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân, đẩy thời vụ, dành ra ba tháng cho vụ đông để sản xuất rau, củ, quả thức ăn cho chăn nuôi; từ hai vụ thành ba vụ trong năm. Vào năm 1966, sau nhiều vụ thử nghiệm thành công, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Bình chủ trương đưa Nông nghiệp 8 vào sản xuất đại trà trên toàn bộ diện tích đất canh tác. Cùng với vôi, bèo hoa dâu, giống lúa mới Nông nghiệp 8 đã tạo nên một cuộc “cách mạng xanh” trên đồng đất Thái Bình khi là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha/vụ. Đây là mốc son trong lịch sử thâm canh lúa của Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình, làm nức lòng nhân dân cả nước.

Đưa tới sự hình thành của ngành giống, sau là ThaiBinh Seed

Mới đây, trong cuộc trò chuyện với cán bộ, công nhân viên của ThaiBinh Seed, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Mạnh Báo đã ôn lại lịch sử hình thành của ngành giống Thái Bình, sau là ThaiBinh Seed: Năm 1966, trong lần về thăm Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn quân dân Thái Bình, muốn có nhiều lúa gạo để góp phần đánh Mỹ thì phải làm tốt ba việc: làm thủy lợi để thuận lợi cho tưới, tiêu, nuôi nhiều lợn để lấy phân bón ruộng, chọn tạo và cung cấp giống lúa tốt cho bà con nông dân. Thực hiện lời dạy của Bác, năm 1967, ngành giống tại Thái Bình ra đời, đầu tiên là Phòng Giống trực thuộc Ủy ban Nông nghiệp, hiện nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến năm 1968, Ủy ban Hành chính tỉnh đã quyết định thành lập hai trại sản xuất lúa là trại Đông Cường (hiện nay là Viện nghiên cứu Giống cây trồng ThaiBinh Seed) để chọn tạo giống lúa cho các huyện phía Bắc tỉnh và trại Đông Cơ (Tiền Hải) để chọn tạo giống lúa cho hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải. Hai trại này đều trực thuộc Ủy ban Nông nghiệp và quản lý theo cơ chế hành chính. Năm 1971, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chỉ thị số 240 về việc chọn tạo giống lúa cung ứng cho nông dân, sau đó ngày 10/1/1972, Công ty Giống cây trồng Thái Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập Phòng Giống của Uỷ ban Nông nghiệp, hai trại Đông Cơ, Đông Cường và một trại do Pháp bàn giao với sứ mệnh “cung cấp giống tốt cho nông dân để sản xuất thật nhiều lúa gạo phục vụ đánh Mỹ”. Đây là một sự sáng tạo trong công tác quản lý của ngành Nông nghiệp Thái Bình lúc bấy giờ.

Năm 2004, Công ty đã thực hiện cổ phần hóa với 30% là vốn nhà nước, đổi tên thành Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2014, sau khi hoàn thành thoái vốn nhà nước, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Trong suốt 50 năm qua, ThaiBinh Seed luôn trung thành với lời dạy của Bác Hồ, đã tồn tại và phát triển bền vững qua từng giai đoạn lịch sử, luôn không ngừng sáng tạo trong công tác nghiên cứu, chọn tạo ra các giống lúa mới với năng suất cao, chất lượng gạo tốt, thời gian sinh trưởng ngắn.

Theo chia sẻ của người đứng đầu ThaiBinh Seed, thời gian tới, Tập đoàn ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới; tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu lúa giống Thái Bình; phát triển thương hiệu gạo Thái Bình từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.

Nhà máy chế biến gạo ThaiBinh Seed có công suất chế biến 40.000 tấn gạo/năm.

Ngân Huyền

Trần Mạnh Hùng - 3 năm trước

Công tỷ có giống lúa ST25 bán không giá bán bao tiền một kg

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày