Thứ 5, 28/11/2024, 22:40[GMT+7]

Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội Kỳ 2: Cụ thể hóa bằng hành động với quyết tâm và nỗ lực cao nhất

Thứ 4, 17/11/2021 | 08:30:57
3,410 lượt xem
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2021 đạt từ 9,1% so với năm 2020, cùng với việc phát huy những kết quả đã đạt được, trong những tháng cuối năm, cả hệ thống chính trị và các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực với quyết tâm và nỗ lực cao nhất.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý. Ảnh: Thành Tâm

Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Nhiều hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với DN đã được tổ chức nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của DN, từ đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các DN. Cùng với đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi thăm một số DN, động viên DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh; đồng thời, trực tiếp kiểm tra tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn, trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào tỉnh. 

Đặc biệt, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với các DN trên địa bàn huyện Hưng Hà. Thông qua buổi đối thoại không chỉ thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN mà còn giúp tỉnh, các sở, ngành và huyện Hưng Hà cùng DN nhìn nhận lại những kiến nghị như: tỉnh cần có cơ chế thúc đẩy, mở cửa phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu đô thị, dịch vụ phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án giúp DN bảo đảm tiến độ đầu tư; cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa; phát triển dịch vụ logistics; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản; có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh về tín dụng, thuế, phí...; trên cơ sở đó giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền để DN phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Không chỉ chú trọng giải quyết các kiến nghị của DN, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở, ngành, địa phương cũng tích cực đồng hành cùng người dân và DN trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Là một tro1ng những ngành quan trọng góp phần khơi thông nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, ngành Ngân hàng Thái Bình tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng. Để giúp khách hàng vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, toàn ngành thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 2 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch. Đến hết tháng 10/2021, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 71.620 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thời điểm 31/12/2020; các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 499 khách hàng với tổng giá trị nợ lũy kế cả gốc và lãi hơn 837 tỷ đồng, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.875 khách hàng với số tiền lãi được miễn, giảm 2,2 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cho 7 DN vay vốn để trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ngành Thuế cũng là một trong những ngành rất tích cực trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người nộp thuế... Ngay khi các chính sách được ban hành, cơ quan thuế các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người nộp thuế biết và thực hiện các thủ tục cần thiết để sớm được hưởng các ưu đãi về thuế, từ đó góp phần chủ động vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chú trọng thu hút đầu tư

Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng công tác thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 22-KL/TU, ngày 8/9/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 5/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; ban hành và chỉ đạo tích cực thực hiện kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã khánh thành cụm công nghiệp An Ninh với quy mô gần 50ha, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái nhằm tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp; đồng thời, tiếp và làm việc với một số DN, nhà đầu tư như Tập đoàn Samsung, Tập đoàn TH True Milk... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. 

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: Hiện tại, Tổ hợp Samsung Việt Nam có 6 nhà máy (tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh), 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, 1 pháp nhân bán hàng, tạo việc làm cho 110.000 lao động trong đó có 1.800 lao động đến từ tỉnh Thái Bình đều là những người có trình độ cao và nhiệt huyết với công việc. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy Thái Bình là địa phương có điều kiện đầu tư rất tốt bởi ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tỉnh Thái Bình còn có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư hiện đại và các khu công nghiệp đã được xây dựng sẵn sàng đón nhà đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Chính vì thế, trong thời gian tới tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Thái Bình. Với vai trò người đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, tôi sẽ giới thiệu về tỉnh Thái Bình cho các DN Hàn Quốc khi có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Minh chứng rõ nhất là từ đầu năm đến nay mặc dù dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng trong 10 tháng toàn tỉnh đã có 68 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (gồm 33 dự án mới và 35 dự án điều chỉnh) với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm hơn 18.015 tỷ đồng, gấp khoảng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, 5 dự án đầu tư lớn với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư như dự án của Công ty TNHH Greenworks Việt Nam 200 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Lotes Việt Nam 120 triệu USD, dự án của Công ty Jeanson Industrial Limited 75 triệu USD... Cùng với đó, số DN mới được thành lập cũng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020 với 673 DN và 64 chi nhánh, văn phòng đại diện được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; số DN hoạt động trở lại tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2020 với 241 DN. Đến nay, toàn tỉnh có 7.779 DN, 923 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 98.148 tỷ đồng.

Dù khó khăn trước mắt còn nhiều, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng những hành động thiết thực với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của các cấp, ngành, địa phương sẽ tạo đà để kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh tiếp tục phát triển.

10 tháng năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nghêu Thái Bình (Nam Thịnh, Tiền Hải).  Ảnh: Khắc Duẩn


Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày