Chủ nhật, 29/12/2024, 16:44[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 4, 24/11/2021 | 08:56:11
1,309 lượt xem
Thời gian gần đây thời tiết thay đổi thất thường, hay có mưa, độ ẩm cao, mầm bệnh trong môi trường phát triển mạnh, vì thế sức đề kháng của gia súc, gia cầm suy giảm, dễ bị nhiễm bệnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, huyện Quỳnh Phụ đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Cán bộ thú y xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn.

Huyện Quỳnh Phụ hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm ước trên 1 triệu con, trong đó đàn gia cầm hơn 940.000 con, đàn gia súc trên 146.000 con. Trước tình hình một số địa phương trong tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và những diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các huyện, thành phố, Quỳnh Phụ đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Hồng Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mặc dù từ đầu năm đến nay toàn huyện chưa có các dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, huyện đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Thôn Lương Cụ Nam, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) có 12 hộ chăn nuôi lớn, đàn lợn có gần 300 con lợn nái, lợn thịt và hàng trăm lợn con, ngoài ra hầu hết các gia đình đều chăn nuôi gia cầm và nuôi chó, mèo. Hàng năm, chính quyền địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Trọng Tám, Trưởng thôn Lương Cụ Nam cho biết: Khi có chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và đàn chó, mèo, cán bộ thú y xã gửi kế hoạch tới các thôn để thông báo trên loa truyền thanh về thời gian tiêm, lịch tiêm và giá thành tiêm để các gia đình trong thôn biết. Quá trình tiêm, thôn kết hợp với cán bộ thú y xã đến từng gia đình tổ chức tiêm đủ mũi, đủ liều cho vật nuôi. Cán bộ thú y của xã hướng dẫn các gia đình cách phát hiện một số bệnh thường gặp, hướng dẫn cách tiêm ngoài thời gian tiêm chủng để bảo vệ vật nuôi. 

Ông Đoàn Vũ Huỳnh, thôn Lương Cụ Nam chia sẻ: Gia đình tôi nuôi trên 50 con lợn nái, lợn thịt. Khi được địa phương tuyên truyền tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tôi đăng ký đầy đủ các loại vắc-xin cho từng loại vật nuôi và tiêm đúng theo thời gian quy định. Đối với những đợt lợn sinh đẻ, nhờ được cán bộ thú y xã hướng dẫn cách tiêm, tôi tự tiêm một số bệnh trên lợn như: suyễn, tai xanh, lở mồm long móng. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh giúp các hộ chăn nuôi yên tâm, không hoang mang, lo lắng khi xảy ra dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó chú trọng công tác tiêm vắc-xin và tiêu độc, khử trùng. Đến nay, Quỳnh Phụ đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi, trong đó bệnh dịch tả lợn tiêm 32.975 liều, tụ dấu 13.755 liều, phó thương hàn 15.830 liều, lở mồm long móng 11.425 liều, tụ huyết trùng trâu, bò 900 liều, bệnh dại 1.350 liều, viêm da nổi cục 1.400 liều. Đối với việc tiêu độc, khử trùng, từ ngày 25/10 đến ngày 25/11 huyện tổ chức tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia  cầm và cấp 2.200 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để phân bổ cho các hộ chăn nuôi nhằm chủ động ngăn chặn, tiêu diệt các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn góp phần khống chế dịch bệnh. Việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tập trung vào những ổ dịch cũ đã từng xuất hiện một số loại bệnh: viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn; những nơi có nguy cơ cao, khu vực chợ, nơi giết mổ, tập trung buôn bán gia súc, gia cầm... Ngoài ra, trước diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại tại một số địa phương trong tỉnh, mặc dù chưa xâm nhập vào địa bàn huyện song công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương vẫn được tăng cường ở mức cao. Huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh theo quy định; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, nhất là hoạt động giết mổ tự phát tại các hộ dân; tổ chức ký cam kết yêu cầu các hộ giết mổ, chăn nuôi, buôn bán gia súc, gia cầm chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Các hộ gia đình nuôi chó, mèo đều được tiêm phòng bệnh dại. 

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày