Chủ nhật, 29/12/2024, 15:54[GMT+7]

Làm giàu từ trồng riềng

Thứ 6, 26/11/2021 | 10:15:04
4,891 lượt xem
Riềng là cây gia vị quen thuộc ở các làng quê nhưng biến riềng trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình thì ở huyện Vũ Thư hiện nay mới chỉ có vợ chồng anh Bùi Tiến Quảng, thôn An Lợi, xã Song Lãng.

Gia đình anh Bùi Tiến Quảng, thôn An Lợi, xã Song Lãng (Vũ Thư) thu hoạch riềng.

10 năm trước, trong một dịp tình cờ, vợ chồng anh Quảng biết đến một mô hình trồng riềng quy mô nhỏ, nhận thấy việc tiêu thụ cây riềng trên thị trường thuận lợi, vợ chồng anh đầu tư trồng thử vài sào. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây riềng, ổn định đầu mối tiêu thụ, năm 2017 gia đình anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Cánh đồng Ao Bà Chúa ở thôn An Lợi trước kia là cánh đồng trũng, xa khu dân cư, nhiều năm bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Được xã tạo điều kiện, gia đình anh Quảng nhận khoán 2,7 mẫu ruộng trên cánh đồng này để quy hoạch vùng trồng riềng.

Gia đình anh Quảng lựa chọn trồng riềng vàng vì so với riềng đỏ và riềng trắng, riềng vàng cho chất lượng cao hơn, củ ít xơ hơn và thơm hơn, được thị trường ưa chuộng. Riềng là cây trồng ưa ẩm nhưng đòi hỏi ruộng trồng cao, thoát nước nhanh. Cánh đồng Ao Bà Chúa lại là cánh đồng thấp trũng nên gia đình anh Quảng khắc phục bằng cách đào mương máng quanh vùng để thuận lợi tiêu thoát nước, mặt khác làm luống trồng riềng thật cao. Để thuận lợi cho thu hoạch, tiêu thụ, bảo đảm quanh năm có riềng phục vụ khách hàng, anh Quảng trồng gối lứa. 

Anh Quảng chia sẻ: Riềng thường được trồng dịp cuối năm, đầu xuân và thu hoạch sau 1,5 năm trồng. Cây riềng hầu như không bị sâu, thi thoảng có cây bị bệnh thối thân, tôi chỉ cần nhổ bỏ và xử lý bằng vôi bột, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để riềng cho năng suất cao, tôi ưu tiên sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón, khi cây riềng còn nhỏ cần bảo đảm mặt luống sạch cỏ. Tôi cũng luôn chú trọng bảo đảm độ ẩm thường xuyên và tiêu thoát nước kịp thời cho cây riềng. Cây riềng tuy khó mà dễ trồng.

Với kỹ thuật chăm sóc tốt, năng suất riềng đạt bình quân 1,5 tạ/sào. Do trồng gối lứa nên gia đình anh Quảng có riềng thu hoạch quanh năm, bình quân thu hoạch 1 tạ riềng/ngày, những dịp lễ, tết sản lượng thu hoạch cao hơn do nhu cầu thị trường cao. Hiện gia đình anh có các đầu mối tiêu thụ riềng ổn định, xuất đi thị trường Hà Nội, Nam Định, phục vụ các nhà hàng, quán ăn. Giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi tháng cho doanh thu 30 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, gia đình anh Quảng thu lãi gần 200 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 5 - 7 lao động thời vụ.

Ngoài riềng, tận dụng diện tích bờ vùng, đất trống, gia đình anh Quảng trồng thêm cây chè xanh, chuối tiêu, mỗi tháng có thêm thu nhập vài triệu đồng. Đặc biệt, dù bận rộn quanh năm với cây riềng nhưng gia đình anh còn đầu tư máy làm đất, máy gặt, tích tụ và gieo cấy 4 mẫu lúa, nhận dịch vụ làm đất mỗi vụ 40 mẫu ruộng cho bà con trong thôn. Anh Quảng chia sẻ: Trồng riềng, sản xuất lúa hay làm dịch vụ nông nghiệp đều rất vất vả, bù lại cho hiệu quả kinh tế xứng đáng. Nhờ cây riềng và đồng đất quê hương, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá hơn hẳn, có điều kiện đầu tư nuôi các con ăn học.

Ông Bùi Đức Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Lãng cho biết: Gia đình anh Quảng có nhiều năm trồng riềng, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Sự sáng tạo, mạnh dạn tìm hướng đi riêng trong sản xuất nông nghiệp của gia đình anh tác động tích cực, giúp nông dân địa phương từng bước thay đổi tư duy, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đồng đất địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ trồng riềng, thu nhập của gia đình anh Quảng, chị Lan nâng cao rõ rệt và có điều kiện nuôi con ăn học.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày