Thứ 6, 16/05/2025, 09:46[GMT+7]

Sản xuất Vũ Đông ở Vũ Phúc Trước mừng, sau lo

Thứ 3, 05/02/2013 | 07:56:33
1,423 lượt xem
Cuối năm 2012, cơn bão số 8 đổ bộ trực tiếp đã phá hủy gần hết diện tích cây vụ đông của xã Vũ Phúc (Thành phố), thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Xã đã cố gắng khắc phục, trồng mới nên vụ đông vẫn đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhưng về lâu dài chính quyền và người dân nơi đây còn không ít nỗi lo về thời tiết khó lường, giá cả biến động, về thị trường tiêu thụ, về lực lượng lao động… ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông.

Nông dân xã Vũ Phúc (Thành phố) chăm sóc rau màu

Ông Lê Thanh Nghị - Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Vụ đông năm 2012, Vũ Phúc xây dựng kế hoạch sản xuất theo vùng hàng hóa tập trung bằng các giống như: ngô, đậu tương, khoai tây, rau, bí các loại với diện tích từ 260 ha trở lên. Nhân dân thu hoạch lúa mùa đến đâu tiến hành trồng cây vụ đông đến đó, thực hiện phương châm “sáng lúa, chiều màu”. Tính đến ngày 28/10, toàn xã đã trồng được gần 200 ha. Song cơn bão số 8 đổ bộ đã làm cho toàn bộ diện tích cây vụ đông bị thiệt hại.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, sự hỗ trợ kịp thời khắc phục hậu quả do bão gây ra, HTX đã tích cực chủ động đôn đốc nhân dân vệ sinh đồng ruộng, khôi phục diện tích bị hư hại. Kết quả, rau màu trồng mới 77 ha, khoai tây 14,6 ha. Đây đều là những cây trồng chủ lực trong vụ đông của xã Vũ Phúc từ nhiều năm nay. Khoai tây trồng tập trung ở thôn Đông Hạ, chủ yếu tự sản tự tiêu, phục vụ chăn nuôi. Diện tích rau màu tập trung ở ba thôn: Bắc Sơn, Cự Phú, Thanh Miếu. Giống chủ yếu lấy từ Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Với vị trí của xã ven thành phố, lượng rau, củ, quả của Vũ Phúc phần lớn cung cấp cho thị trường thành phố. Bên cạnh đó, còn mở rộng ra Hải Phòng, Đà Nẵng…

Đặc biệt, xã Vũ Phúc có hai cơ sở được tỉnh chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP là HTX DVNN Vũ Phúc và cơ sở sản xuất rau Vạn Xuân. Sau hai năm triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt, các loại rau màu trồng tại đây có đặc điểm ngắn ngày (1 – 1,5 tháng) nên quay vòng đất nhanh, sản xuất theo quy trình VietGAP yêu cầu sử dụng hoàn toàn các chế phẩm sinh học từ phân vi sinh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ thực vật, nhờ vậy chất lượng của sản phẩm được nâng cao.

Hiện nay khoai tây chưa thu hoạch, nông dân đang triển khai thu hoạch đại trà các loại rau màu. Năm nay giá cả tăng cao, khoai tây khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg, xà lách 10.000 đồng/kg, tăng gấp rưỡi năm trước. Tuy nhiên, người dân đang lo ngại giá cả không ổn định. Gia đình anh Mai Văn Kiểm ở xóm 8, thôn Cự Phú có 7 sào trồng các loại rau như xà lách, mùi, hẹ, cải thìa… nhưng bão số 8 đã phá hủy hết. Anh cho biết: “Sau khi trồng mới, đến nay gia đình đã thu hoạch được một lứa, đang bắt đầu thu hoạch lứa thứ hai. Lứa thứ nhất thu hoạch vào đợt rét nên được giá, gia đình thu về khoảng 4 triệu đồng/sào. Nhưng đợt này gió đông mạnh (một đêm gió đông bằng mười ngày gió bấc), rau lên nhanh nhưng giá giảm còn 4.000 – 5.000 đồng/kg nên chắc chỉ thu được từ 2 – 2,5 triệu đồng/sào. Hai đợt bù trừ cho nhau, lại thêm vốn bỏ ra trồng mới toàn bộ sau bão nên cũng không lãi được nhiều. Nói chung trời cho nhiều được nhiều, trời cho ít được ít”.

Anh cũng tâm sự nỗi lo về việc tiêu thụ rau màu: “Dù cũng có các xe tải đến thu mua nhưng chủ yếu gia đình tôi vẫn tiêu thụ ở chợ đầu mối trên Thành phố. Hiện có hai chợ đầu mối thì chợ Bồ Xuyên dễ bán nhưng lại chật chội, chợ Hoàng Diệu mới, rộng, đẹp nhưng ít người mua. Chúng tôi có nguyện vọng làm sao tập trung về một chợ đầu mối cho người bán lẫn người mua dễ gặp nhau”.

Năm 2012, diện tích vụ đông của Vũ Phúc đạt 91,6 ha; giá trị bình quân ước đạt 1,7 triệu đồng/sào, tương đương 47,222 triệu đồng/ha; tổng giá trị thu từ cây vụ đông khoảng 4,3 tỷ đồng. Ông Mai Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Phúc khẳng định: “Vụ đông là vụ sản xuất chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhìn chung, vụ đông năm 2012 ở xã Vũ Phúc đầu vụ gặp khó khăn do thời tiết nhưng giữa vụ thuận lợi so với các năm trước, tuy tổng diện tích giảm nhưng giá cả thị trường lại tăng nên bà con cũng phấn khởi”. Theo ông, khó khăn thực sự của xã là ở chỗ, Vũ Phúc nằm gần thành phố nên tỷ lệ lao động vào các KCN cao; lao động chính, làm giỏi, nắm chắc kỹ thuật chỉ còn lại số ít. Đây là nguyên nhân có thể ảnh hưởng lâu dài đến phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như các mặt khác của đời sống kinh tế - xã hội, cũng là điều mà chính quyền xã luôn trăn trở.

Đỗ Thị Mai Hiền
(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày