Thứ 7, 23/11/2024, 05:58[GMT+7]

Đượm nồng hành tỏi Đông Long

Thứ 2, 17/01/2022 | 08:31:11
3,334 lượt xem
Cứ đến dịp cuối năm, thôn Hưng Long Bắc, xã Đông Long, huyện Tiền Hải lại nhộn nhịp vào vụ thu hoạch hành tỏi. Người mua kẻ bán tấp nập. Những xe hành non xanh mướt, hành già tròn mẩy tỏa đi muôn phương, góp thêm hương vị cho ngày tết cổ truyền. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người, xe đã bớt phần xuôi ngược, chỉ có tình người yêu đất thì vẫn luôn thiết tha, bền chặt.

Nông dân Đông Long chăm sóc vụ hành tỏi cuối năm.

Những ngày cuối năm Tân Sửu, trời sập sùi mang theo gió mùa đông bắc. Cô Phan Thị Xuyến, 62 tuổi, thôn Hưng Long Bắc đang thu hoạch sớm những luống hành còn xanh mướt, củ mới to bằng ngón tay cái bán cất cho lái buôn với giá 7 nghìn đồng 1 kg. Hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng hành tỏi, chưa năm nào cô Xuyến bán giá rẻ như năm nay.

Cô Xuyến bảo: Tầm này năm ngoái hành bán 18 - 20 nghìn đồng 1 kg, tỏi cũng được 15 nghìn chục củ. Mỗi sào hành tỏi trừ để ăn, cho, để giống cũng bán được 7 - 8 triệu đồng. Vậy mà năm nay, do dịch bệnh phức tạp, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, người dân cũng ít về quê nên giá hành tỏi giảm chỉ còn 1/3. Vậy nên nhà cô nhổ bán dần hành non, hành bánh tẻ. Tuy vụ này thu hoạch kém nhưng gia đình cô vẫn gắn bó với cây hành. Bởi có năm nọ năm kia. Năm nay Covid-19 mới vậy, chứ mọi năm bán rất tốt. Ngoài thu nhập từ canh tác thì đó còn là nghề mà ông bà để lại. Làm nghề để sống. Làm nghề để nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Để yêu thương hơn đất và người nơi đây.

Rong ruổi qua nhà nọ, nhà kia chỉ thấy hành, thấy tỏi san sát. Tôi dừng chân nơi vườn nhà cô Nguyễn Thị Nga, thôn Hưng Long Bắc. Cô chia sẻ: Cái hay của nghề trồng hành là không thu hoạch ồ ạt, mà sẽ thu theo nhu cầu của thị trường. Hành non để tra nấu, hành bánh tẻ, dọc xanh tốt ngọt thơm, củ bằng ngón tay để làm các món hành cuốn, hành luộc. Khi lá hành có đốm sẽ chuyển đắng, lúc đó củ lớn hơn chút sẽ bán để muối chua hay tra vào các món xào nấu. Còn lại sẽ để già, lá rụi, thu hoạch bán hành khô. Những cây hành có cổ càng mập thì khi già củ sẽ càng to. Muốn hành tỏi có năng suất thì ngoài yếu tố về giống, người nông dân phải chịu khó đầu tư công sức và phân bón. Cái lợi của người trồng hành là thường bán cất. Lái buôn đến tận nhà, hoặc mang hành tỏi ra chợ bán buôn. Năm nay dịch bệnh nên tiêu thụ khó khăn chứ mọi năm thuận lắm.

Hành tỏi Đông Long năm nay thu hoạch muộn hơn do tiêu thụ chậm.

Xã Đông Long có khoảng 30 ha trồng hành tỏi chủ yếu tập trung ở thôn Hưng Long Bắc. Vùng trồng hành tỏi không tập trung mà xen kẽ trong các khu dân cư. Mảnh nào rộng thì một hai sào, nhỏ thì vài chục mét vuông, có khi chỉ là một dẻo đất nhỏ chạy dọc ven đường. Mỗi dịp cuối năm đến đây đều thấy hành tỏi xanh mướt đều tăm tắp xen kẽ giữa các nếp nhà. Thời vụ trồng hành tỏi thường từ tháng 9 âm lịch và bắt đầu cho thu hoạch sau 3,5 đến 4 tháng. Không ai nhớ chính xác nghề trồng hành tỏi ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết rằng những người làng An Cố, huyện Thái Thụy khi di cư sang mảnh đất biển chua mặn, nắng gió này xây xóm lập làng, đã mang theo nghề trồng hành tỏi. Và chắc cũng do chất đất thịt chua mà chỉ có khu vực thôn Hưng Long Bắc thì trồng hành tỏi mới cho năng suất, chất lượng cao. Và cây hành, cây tỏi đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống người dân nơi đây, trở thành cây sinh kế nuôi lớn biết bao thế hệ.

Cũng như bao người dân Đông Long, ông Nguyễn Thế Huân, thôn Hưng Long Bắc rất tự hào về loại cây gia vị đặc biệt này. Ông cho biết: hành tỏi Đông Long đã trở thành thương hiệu rồi, củ to, hương vị đậm đà, thơm nức, cay nồng. Vì có thương hiệu nên khi đi chợ rất dễ mua, dễ bán. Bên cạnh đó, đầu tư trồng hành tỏi không tốn nhiều kinh phí. Cái tốn nhất là công. Mà người nông dân thì lấy công làm lãi. Những người sức khỏe yếu một chút vẫn có thể làm được.

Hành tỏi Đông Long được trồng trên đất 2 màu, 1 lúa. Ông Nguyễn Quân Duẩn, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Long cho biết: Vụ hành tỏi năm nay khó khăn quá khi đầu vụ thì mưa bão phải trồng lại, cuối vụ thì dịch bệnh phức tạp kéo giá xuống thấp. Tuy vậy, tính ổn định của cây hành tỏi nhiều năm qua vẫn khiến bà con yên tâm gắn bó với hy vọng khi dịch bệnh đi qua, cuộc sống trở lại bình thường, hành tỏi Đông Long sẽ lại được giá như những năm trước.

Thêm một khó khăn nữa cho người trồng hành tỏi Đông Long là nguồn giống còn phụ thuộc vào nơi khác. Bà con cũng từng để giống nhưng dễ bị hỏng do không có kho lạnh, và nếu để được thì năng suất cũng không cao. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới trong vụ đông cũng còn nhiều hạn chế.

Khó khăn là vậy nhưng đến Đông Long chẳng thể tìm thấy một mảnh đất nào bị bỏ hoang. Luống hành, luống tỏi tạo những lối đi đẹp như tranh vẽ. Thế mới thấy, dù dịch bệnh căng thẳng thì người nông dân Đông Long vẫn bền chặt một tình yêu với từng tấc đất, tình yêu với nghề truyền thống ông cha để lại, tình yêu với một loại cây làm tăng thêm hương vị của mỗi món ăn. Một loại cây đượm nồng hương vị mỗi dịp tết đến xuân về.

Đỗ Hà

(Đài TTTH Tiền Hải)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày