Thứ 5, 26/12/2024, 00:36[GMT+7]

Hoa lay ơn nở trên cánh đồng lúa

Thứ 2, 07/03/2022 | 09:05:57
3,322 lượt xem
Lay ơn là loại hoa truyền thống, trước kia thường được trồng ở làng hoa Bách Thuận (Vũ Thư) nhưng nhiều năm nay toàn huyện không còn ai trồng loại hoa này. Sau nhiều năm “biến mất”, đến nay đã có một vườn hoa lay ơn nở rực rỡ giữa cánh đồng lúa. Người khôi phục cây hoa lay ơn trên đồng đất Vũ Thư là lão nông Nguyễn Xuân Bệ, thôn Trung, xã Song Lãng.

Mô hình trồng hoa lay ơn giống kết hợp thu bông của gia đình ông Nguyễn Xuân Bệ cho hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, gia đình ông Bệ thường xuyên tích tụ từ 2 - 3ha ruộng để cấy lúa và trồng nhiều loại cây màu khác nhau. Năm 2019, ông được tham quan mô hình trồng hoa lay ơn lấy củ làm giống của một gia đình người bạn ở tỉnh ngoài. Được bạn giúp đỡ về kỹ thuật, vụ đầu tiên ông Bệ trồng thử nghiệm 2 sào hoa lay ơn giống. Nhận thấy trồng hoa lay ơn giống cho hiệu quả kinh tế cao, vụ đông năm 2020 ông mở rộng quy mô trồng hoa lay ơn đạt gần 1 mẫu. Kết quả, ông thu được 4 tấn củ hoa lay ơn giống, bán giá 60 triệu đồng/tấn, trừ chi phí đầu tư thu lãi 150 triệu đồng. 

Sau khi nắm chắc kỹ thuật trồng hoa lay ơn, năm 2021 ông Bệ mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và tưới nước trên cánh đồng Bà Bổn, thôn Trung để trồng hoa lay ơn. Đây là cánh đồng vàn cao, trước kia nhiều hộ bỏ ruộng hoang, ông thuê, mượn, tích tụ ruộng để trồng hoa. Thay vì chỉ lấy củ làm giống như trước, vụ đông năm 2021 ông trồng 1,7 mẫu hoa lay ơn với 2 mục tiêu: sản xuất giống và kết hợp bán hoa thương phẩm. 

Ông Bệ chia sẻ: Hoa lay ơn ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, khi sử dụng phân hữu cơ chăm bón, cây sẽ ít nhiễm bệnh hơn. Do đó, trước khi xuống giống tôi bón lót mỗi sào 7 tạ - 1 tấn phân chuồng hoai mục. Hoa lay ơn được trồng bằng củ. Đối với diện tích hoa lay ơn giống, tôi chỉ cần chăm sóc, tưới nước, phòng, trừ sâu bệnh tốt là được. Nhưng với các diện tích hoa lay ơn vừa lấy củ vừa kết hợp thu hoa bông thương phẩm, tôi phải căng dây theo độ lớn của cây nhằm giữ cho cây thẳng, bông thẳng, chống gió làm đổ và thắp đèn ban đêm để giữ ấm cho cây. Thông thường, với thời tiết miền Bắc, cây cho hoa sau 3 tháng trồng. 

Tuy nhiên, lay ơn là loại hoa khá khó tính trong trồng và chăm sóc, đặc biệt thời điểm cho thu hoạch phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, trong khi đó thời tiết mùa đông xuân ở miền Bắc khá khắc nghiệt và thay đổi hàng năm. Năm 2021, do thời tiết có mưa kéo dài, tiến độ gieo trồng hoa bị trễ, ông Bệ bị lỡ hàng xuất ra thị trường dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua. Hiện gia đình ông đang thu hoạch hoa lay ơn xuất sang thị trường Nam Định tiêu thụ phục vụ mùa lễ hội đầu năm với giá tại vườn 3.000 - 3.500 đồng/bông. Nếu giá hoa bông thương phẩm giảm ông sẽ chuyển sang thu hoạch củ làm giống. Sản xuất củ giống hoa lay ơn cũng khá công phu. Củ hoa lay ơn làm giống cần trồng hơn 5 tháng, sau khi thu hoạch củ, phơi củ dưới trời nắng nhẹ, có lưới che để củ khô tự nhiên. Giá bán củ hoa lay ơn giống 55.000 - 60.000 đồng/kg. Dự kiến với 1,7 mẫu hoa lay ơn, ông Bệ thu về hơn 300 triệu đồng từ hoa lay ơn giống và thương phẩm ở vụ đông xuân năm 2021 - 2022. 

Ngoài hoa lay ơn, thời điểm này ông Bệ đang trồng 6 sào hoa cúc, hơn 4 sào khoai tây xuân và canh tác hơn 1 héc-ta lúa xuân. Vào mỗi mùa vụ ông còn đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất của thôn, nhận dịch vụ cấy lúa bằng máy cấy mạ khay cho nông dân trong và ngoài xã. Không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình, mô hình tích tụ ruộng đất trồng hoa lay ơn và sản xuất lúa, cây màu của ông Bệ còn tạo việc làm thời vụ cho 5 - 10 lao động địa phương. 

Ông Hoàng Văn Lưu, Giám đốc HTX NN Song Lãng cho biết: Nếu nhiệt huyết, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm là tố chất của lớp trẻ thì lão nông tuổi 70 Nguyễn Xuân Bệ được coi là người trẻ. Ông từng là người đầu tiên đưa máy cày, máy cấy phục vụ cơ giới hóa các khâu sản xuất tại HTX, đưa cây bí đao vào sản xuất theo hướng hàng hóa và hiện nay ông là người đầu tiên trồng hoa lay ơn ở đồng đất Song Lãng. Nhờ sự tiên phong và nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ kỹ thuật sản xuất của ông, đến nay nhiều nông dân địa phương đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như khoai tây xuân, bí xanh, riềng, rau màu, góp phần nâng cao thu nhập.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày