Thứ 3, 24/12/2024, 10:29[GMT+7]

Đông Đô: Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa

Thứ 5, 10/03/2022 | 08:38:40
1,709 lượt xem
Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân ở xã Đông Đô (Hưng Hà) có thu nhập từ 100 - 400 triệu đồng/năm.

Anh Đinh Văn Mừng, thôn Đông Đô Kỳ, xã Đông Đô chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học.

Những năm trước đây, gia đình anh Đinh Văn Mừng, thôn Đông Đô Kỳ chỉ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Nhưng từ khi được địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình sang vùng quy hoạch chăn nuôi Đồng Bến của xã, anh Mừng đã mạnh dạn xây dựng 8 ô chuồng nuôi lợn, đầu tư 5 quạt thông gió và ốp trần bằng nhựa, xốp bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm anh nuôi từ 500 - 600 con lợn, xuất bán hàng tấn lợn thịt, thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm. 

Đặc biệt, mô hình của anh được thực hiện theo quy trình an toàn sinh học nên hạn chế dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường. Anh Mừng chia sẻ: Để đàn lợn lớn nhanh, khỏe, tôi chú ý chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên giám sát chặt chẽ khu vực chăn nuôi, không cho người lạ đến gần chuồng trại và theo dõi sát đàn lợn, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, đàn lợn của gia đình tôi, phát triển tốt, không bị thiệt hại do dịch bệnh. 

Giống như gia đình anh Mừng, gia đình anh Hà Văn Oánh, thôn Mậu Lâm cũng chọn hướng phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn. Trang trại của gia đình anh Oánh có diện tích 500m2, được thiết kế công nghệ cao khép kín; các dãy được bố trí đầy đủ hệ thống điện, quạt, máng chứa thức ăn, nước uống tự động. Hiện gia đình anh đang nuôi trên 500 con lợn, trong đó 400 con lợn thịt, dự kiến xuất bán trong tháng 3, theo tính toán của anh sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ kinh nghiệm thực tế và chịu khó tìm tòi, học hỏi trên sách báo nên anh Oánh luôn biết cách chăm sóc đàn lợn kịp thời, đúng kỹ thuật, vì thế tránh được nhiều đợt dịch bệnh. Anh cho biết: Nuôi lợn theo hướng công nghiệp vẫn được giá cao hơn so với chăn nuôi truyền thống, lợn khỏe, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh. Do đó chúng tôi không lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Dù có ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như giá thức ăn tăng cao nhưng nhờ áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi nên mô hình của tôi vẫn cho hiệu quả cao. 

Để giúp người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang hướng sản xuất hàng hóa, xã Đông Đô đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 9ha, vận động nhân dân chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học, công nghệ cao khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi để bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 12.000 con, tăng trên 1.000 con so với cùng kỳ. Tính riêng năm 2021, giá trị sản xuất chăn nuôi của xã chiếm 56% giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Viết Luyến, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã cho biết: Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mở rộng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư xây dựng theo quy mô trang trại, gia trại; chú trọng phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tiêm phòng định kỳ theo quy định để bảo vệ đàn vật nuôi. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng định hướng các hộ chăn nuôi sử dụng con giống bảo đảm chất lượng, sạch bệnh, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường và không có xác nhận của ngành chức năng. Nhờ đó, xã đã chủ động trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì chăn nuôi ổn định.

Mô hình chăn nuôi của anh Hà Văn Oánh, thôn Mậu Lâm được thiết kế khép kín, hiện đại, bảo đảm sạch sẽ môi trường.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày