Thứ 4, 06/11/2024, 08:20[GMT+7]

Vũ Thư: Nhiều hộ chăn nuôi chưa ý thức bảo vệ môi trường

Thứ 5, 24/03/2022 | 09:28:09
2,306 lượt xem
Các gia trại, trang trại chăn nuôi phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Vũ Thư. Tuy nhiên, mặt trái của nó là gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi nhưng nguyên nhân chính vẫn là ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của nhiều hộ chăn nuôi hiện nay còn rất hạn chế.

Nhờ sử dụng đệm lót sinh học, trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội (Vũ Thư) luôn bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mỗi tháng gia đình ông Nguyễn Xuân Nhàn, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang chăn nuôi, tập kết, kinh doanh 500 - 600 con trâu, bò. Mặc dù số lượng trâu, bò khá lớn nhưng chuồng trại của gia đình ông Nhàn luôn thoáng đãng, sạch sẽ, không có mùi hôi, lại được quy hoạch ở vị trí xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong thôn, xã. 

Ông Nhàn cho biết: Gia đình tôi cứng hóa toàn bộ nền chuồng, vệ sinh chuồng trại 2 lượt/ngày và phun hóa chất khử trùng chuồng trại hàng ngày. Đối với chất thải của trâu, bò, tôi thu gom, dùng men vi sinh xử lý làm phân hoai mục để cải tạo đất. Tôi luôn chú trọng giữ gìn môi trường chăn nuôi, bởi lẽ khi môi trường sạch sẽ, thông thoáng, trước hết gia đình tôi được hưởng lợi, sức khỏe, sinh hoạt của các thành viên được bảo đảm; thứ hai là có ý thức giữ gìn môi trường chung, bà con đồng thuận, ủng hộ chăn nuôi mới bền vững.

Cùng chăn nuôi, kinh doanh trâu, bò với quy mô tương tự như gia đình ông Nhàn nhưng 1 trang trại tại thôn Dũng Thượng, xã Dũng Nghĩa lại gây ô nhiễm môi trường khá nặng nề, bốc mùi hôi trong không khí, gây bức xúc cho các hộ dân xung quanh. 

Ông Nguyễn Văn Lạc, thôn Dũng Thượng chia sẻ: Chủ hộ chăn nuôi không chú trọng xử lý chất thải, chuồng trại tạm bợ, mất vệ sinh, chăn nuôi quy mô lớn nhưng lại không quan tâm xử lý, bảo vệ môi trường. Mùi hôi thối từ khu nuôi nhốt trâu, bò của gia đình này bốc ra vô cùng ngột ngạt khiến các hộ dân xung quanh và hơn 1.000 công nhân của cơ sở sản xuất gần đó rất bức xúc.

Bách Thuận là “vựa” lợn của huyện Vũ Thư với hơn 300 hộ chăn nuôi lợn, trong đó có gần 20 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, từ 200 - 2.000 con lợn/lứa. 

Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, 70% số hộ chăn nuôi tại địa phương đã đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, hầu hết các hầm biogas chỉ đủ sức chứa chất thải của 10 - 50 con lợn, trong khi hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi với quy mô lớn gấp 2 - 3 lần, thậm chí gấp hàng chục lần. Lượng chất thải dư thừa mà hầm biogas không xử lý hết, một số hộ chăn nuôi sẽ đóng gói, bán cho nông dân các địa phương khác làm phân bón cho cây trồng, cách làm này sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi lại bảo vệ môi trường, tuy nhiên ít hộ sử dụng vì tốn công lao động. Ngược lại, nhiều hộ “xả trộm” trực tiếp chất thải ra các sông ngòi, cống rãnh hoặc xả chất thải ra vườn, ao riêng của gia đình, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Có nhiều khó khăn khác tác động như hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư... nhưng tôi cho rằng yếu tố quyết định đến môi trường chăn nuôi là ý thức của chủ hộ.

Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận cho biết: Hệ thống mương tiêu thoát nước của thôn hiện nay luôn trong tình trạng đen ngòm do chứa chất thải chăn nuôi lợn mà các hộ chăn nuôi xả ra. Về mùa hè, mùi hôi thối từ các “bể phốt” này bốc lên thật sự không dễ chịu chút nào. Chúng tôi rất mong các hộ chăn nuôi nêu cao ý thức bảo vệ môi trường.

Huyện Vũ Thư hiện có 300 trang trại chăn nuôi các loại, trong đó trang trại chăn nuôi lợn chiếm 65%, còn lại là trang trại chăn nuôi gia cầm, trâu, bò. Tổng đàn lợn toàn huyện đạt 64.000 con, đàn gia cầm 900.000 con, đàn trâu, bò 5.800 con. Năm 2021, ngành chăn nuôi mang lại nguồn thu ước gần 1.300 tỷ đồng, nâng cao đáng kể thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Chăn nuôi phát triển mang về nguồn lợi lớn nhưng cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Tình trạng xả thẳng chất thải chăn nuôi ra sông ngòi, nguồn nước diễn ra ở nhiều địa phương; nhiều cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm không khí gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân là do gần đây ngành chăn nuôi phát triển khá “nóng” trong khi cơ sở vật chất chuồng trại, ao, bể chứa chất thải của hầu hết các hộ chăn nuôi còn lạc hậu; trình độ, công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi của người chăn nuôi thấp. Việc quy hoạch khu vực chăn nuôi ở nhiều địa phương còn hạn chế, bất hợp lý, nhiều cơ sở chăn nuôi hoạt động đan xen trong khu dân cư. Việc quản lý, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý vi phạm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường của chính quyền các cấp còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt. Trong các nguyên nhân, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do hầu hết người chăn nuôi chưa có ý thức tốt, chưa thực sự quan tâm đến việc xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, huyện Vũ Thư tăng cường chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi, đồng thời tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi vi phạm. Giữ gìn, bảo vệ môi trường trong lành, không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là yếu tố quan trọng để các cơ sở chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày