Thứ 5, 28/11/2024, 06:24[GMT+7]

Hội Nông dân huyện Đông Hưng: Chỗ dựa tin cậy của hội viên

Thứ 6, 01/04/2022 | 08:55:16
6,095 lượt xem
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân huyện Đông Hưng đã tập trung hỗ trợ hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Mô hình sản xuất 4 vụ/năm của nông dân An Châu (Đông Hưng) cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Tổ chức hội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phong trào “Nông dân Thái Bình vì sức khỏe cộng đồng, sản xuất và kinh doanh nông sản bảo đảm an toàn”. Động viên hội viên tích cực hưởng ứng các phong trào, Hội Nông dân huyện triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực, đặc biệt là hỗ trợ về giống, vốn, kiến thức phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trên 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho 4.500 lượt hội viên; mở 15 lớp dạy nghề cho trên 450 hội viên với các nghề chăn nuôi, thú y, sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp. 

Các cấp hội đứng ra tín chấp với một số công ty mua trên 200 tấn phân bón trả chậm cho hội viên chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng. Nhằm giúp hội viên giải quyết bài toán khó về vốn đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, các cấp hội thực hiện hiệu quả chương trình ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, duy trì hoạt động hiệu quả trên 370 tổ tiết kiệm vay vốn. Số dư hiện là 574 tỷ đồng cho gần 7.500 gia đình hội viên vay. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn tiếp nhận từ quỹ hỗ trợ nông dân trên 4,1 tỷ đồng cho gần 300 lượt hội viên vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho 521 lao động. 

Các cấp hội còn vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể như tổ hợp tác chăn nuôi, hợp tác xã nuôi trồng, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản; tích cực đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào gieo cấy, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác... Với sự hỗ trợ của các cấp hội, nỗ lực của bản thân các hội viên, năm 2021 toàn huyện có trên 19.000 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đặc biệt là được Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp với ngân hàng cho vay vốn, chị Vũ Thị Tươi, xã Phong Châu đã đầu tư trồng nấm trên quy mô 2.500m2 không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Tươi cho biết: Lúc đầu triển khai mô hình cũng gặp khó khăn nhưng được sự động viên, giúp đỡ của các cấp hội, vợ chồng tôi kiên trì áp dụng kiến thức được tập huấn, kinh nghiệm từ các hộ đã thành công, đến nay mô hình đã mang lại hiệu quả cao. Trung bình một năm gia đình thu 15 tấn nấm, trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

Nông dân xã Lô Giang (Đông Hưng) làm giàu từ cây hồng xiêm.

Thực hiện phong trào “Nông dân Thái Bình vì sức khỏe cộng đồng, sản xuất và kinh doanh nông sản bảo đảm an toàn”, Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát 11 trang trại, 10 gia trại, 3 cánh đồng lớn, 5 cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm về quy trình sản xuất, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, định hướng tuyên truyền tiêu chí, quy trình lựa chọn, sản xuất sản phẩm OCOP địa phương. Ngoài ra, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, tham gia phát triển sản phẩm đặc thù địa phương. Đến nay, huyện có sản phẩm cây phát lộc (Minh Tân), bánh cáy Thiên Đức (Nguyên Xá) được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; hiện đang xây dựng một số sản phẩm như hồng xiêm nhót Lô Giang, khoai tây Mê Linh, mít dai vàng Hà Giang... thành sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đông Hưng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nhất là về kiến thức, giống, vốn; vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu, thực hiện tốt vai trò cầu nối tăng cường mối liên kết “4 nhà” để giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của hội viên.



Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày