Thứ 5, 28/11/2024, 06:37[GMT+7]

Chăm sóc, bảo vệ lúa xuân

Thứ 6, 22/04/2022 | 08:32:34
9,622 lượt xem
Năm 2022, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp; mặt khác, mưa, rét đậm, rét hại trùng với thời điểm gieo cấy đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất cũng như sinh trưởng, phát triển của lúa xuân. Ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, tạo tiền đề giành vụ lúa xuân thắng lợi.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân.

Vụ xuân này, gia đình bà Phạm Thị Thủy, xã Đông Vinh (Đông Hưng) gieo cấy 10 mẫu ruộng. Bà Thủy chia sẻ: Thời tiết liên tục xuất hiện không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và kèm theo mưa ẩm kết hợp có sương muối trong những ngày cao điểm gieo cấy lúa xuân gây bất thuận cho sinh trưởng, phát triển của lúa mới cấy cũng như làm chậm tiến độ cấy, diện tích lúa bị chết của gia đình tôi tới gần 20%. Theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tôi khẩn trương ngâm ủ, gieo cấy lại những khu vực lúa chết nhiều, diện tích chết ít thì cấy dặm đồng thời thường xuyên duy trì mực nước nông trong ruộng lúa; bón thúc kịp thời cho lúa theo nguyên tắc “nặng đầu - nhẹ cuối”. Căn cứ thực tế sinh trưởng của lúa xuân, tôi tiếp tục bón toàn bộ lượng phân còn lại theo quy trình cho từng nhóm giống lúa. Nhờ đó, đến thời điểm này lúa xuân của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, giàn lúa khỏe...

Nông dân huyện Thái Thụy chăm sóc lúa.

Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc chăm sóc cho toàn bộ diện tích lúa xuân; các trà lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Đây cũng là thời điểm chuột sinh sản nhanh và mức độ phá hoại rất mạnh. Vì vậy, các địa phương đang tích cực tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, bờ vùng, bờ thửa, khu vực ven đê, ven đường đi lại và tại các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp và các khu đất trống. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ xuân năm nay sâu bệnh hại có mật độ thấp, xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

 Bà Nguyễn Thị Hân, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ cho biết: Hơn 11.100ha lúa xuân của huyện Quỳnh Phụ đang ở giai đoạn đứng cái, dự kiến lúa trỗ bông tập trung từ ngày 10 - 20/5, muộn hơn từ 7 - 10 ngày so với trung bình nhiều năm. Qua điều tra, phân tích mẫu, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 trưởng thành ra rộ từ ngày 21 - 30/4; dự kiến đầu tháng 5, huyện sẽ tổ chức đợt phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Thời tiết rét đậm, rét hại đầu vụ không chỉ khiến gần 5.000ha lúa xuân mới cấy bị ảnh hưởng mà làm chậm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Theo đánh giá của các huyện, thành phố và cơ quan chuyên môn, dự kiến lúa xuân năm 2022 trỗ bông chậm hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 7 - 15 ngày. Các huyện phía Bắc tỉnh lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/5, các huyện phía Nam tỉnh lúa trỗ bông từ ngày 10 - 25/5, diện tích phải gieo cấy lại do rét đậm, rét hại trỗ bông cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Cùng với việc phân công cán bộ tăng cường về cơ sở, lấy mẫu dự tính, dự báo để đưa ra lịch phòng, trừ sâu bệnh chính xác, kịp thời, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân rà soát, đánh giá cụ thể diện tích các trà lúa, tình hình sinh trưởng, phát triển, tiến độ trỗ bông của từng trà để có biện pháp chăm sóc phù hợp trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp đang ở mức cao. 

Đối với trà lúa trỗ bông trước ngày 30/4 cần giữ đủ nước để lúa trỗ bông thuận lợi, chú ý bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ và trỗ trên 80% diện tích. Đối với trà lúa đại trà trỗ bông từ ngày 1 - 20/5 cần bón bổ sung phân kali, lượng bón từ 1 - 2kg/sào; giữ mực nước nông thường xuyên, phòng, trừ sâu bệnh tập trung vào đầu tháng 5 với các đối tượng chủ yếu: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông. Đối với trà lúa xuân muộn trỗ bông sau ngày 20/5 (diện tích cấy lại, tỉa dặm muộn) sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng kali cao bón bổ sung để cây lúa có đủ dinh dưỡng nuôi đòng, nuôi hạt, lượng bón từ 3 - 5kg/sào, bón kết thúc trước ngày 25/4.

Thời gian cây lúa làm đòng đến trỗ là giai đoạn quyết định năng suất. Tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng, trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa chính là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng trong vụ lúa xuân năm nay.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày