Thứ 7, 23/11/2024, 16:08[GMT+7]

Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 01/05/2022 | 09:07:13
1,908 lượt xem
Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), các hình thái thời tiết cực đoan, diễn biến dị thường cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân, HTX triển khai các mô hình sản xuất phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Mô hình chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang trồng măng tây tại xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là yêu cầu đặt ra với ngành nông nghiệp nói chung và các vùng trọng điểm sản xuất lúa, trong đó có Thái Bình nói riêng. Trong 5 năm (2017 - 2021), Thái Bình là địa phương duy nhất của cả nước được triển khai dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính do Tổ chức Phát triển Hà Lan quản lý. Đã có trên 47.000 lượt nông hộ từ 85 HTX trên địa bàn tỉnh tham gia áp dụng các gói công nghệ sản xuất lúa bền vững đã được dự án kiểm chứng và cho phép triển khai trên quy mô lớn với tổng diện tích đạt gần 5.000ha. 

Kết quả kiểm định cho thấy các gói công nghệ đã giảm khí nhà kính trung bình 0,5 tấn/ha và tăng năng suất lúa trung bình 0,2 tấn/ha so với phương pháp canh tác lúa truyền thống tại Thái Bình, giảm khoảng 15% chi phí vật tư cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Hòa (Kiến Xương) cho biết: Áp dụng công nghệ giảm phát thải do đơn vị tham gia dự thi triển khai giúp giảm công chăm sóc, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn, một số sâu bệnh như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn giảm rõ rệt. Nhưng lợi ích lớn nhất khi tham gia dự án là người nông dân được tuyên truyền và nhận thức được hệ quả của việc sử dụng phân bón, phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) không đúng cách làm tăng chi phí sản xuất, tăng lượng khí phát thải từ đó có ý thức hơn trong việc canh tác lúa bền vững, bảo vệ môi trường.

Đắp bây gia cố mặt đê biển số 6 (Thái Thụy).

Trước những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu” tại 6 cơ sở thuộc hai xã Quỳnh Hải và Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ). Mô hình được triển khai trên cơ sở áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, quy trình phòng bệnh và vệ sinh thú y, giám sát sau tiêm phòng. 

Bà Hoàng Thị Miền, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Các cơ sở chăn nuôi được chọn xây dựng mô hình đã tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, thực hiện nghiêm công tác tiêu độc khử trùng, chăm sóc đàn lợn, quản lý nguồn lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào trang trại. Chính vì vậy, tình hình chăn nuôi tại 6 cơ sở vẫn bảo đảm an toàn mặc dù thời điểm đó trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ và các huyện, thành phố khác trong tỉnh đã tái phát ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua nghiệm thu, mô hình đã hoàn thành được các mục tiêu với tỷ lệ bảo hộ bệnh dịch tả lợn đạt 100%, bệnh lở mồm long móng đạt 77,33%; 5/6 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế tăng trên 16% so với các hộ không tham gia mô hình có cùng quy mô.

Để nông nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH, những năm qua, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường. 

Theo đó, ngành đã hướng dẫn, chỉ đạo nông dân sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu mùa vụ, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính... Ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị. Phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp, thực hành chăn nuôi tốt, nông nghiệp thông minh với khí hậu, chăn nuôi công nghệ cao và khép kín; phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với BĐKH như: nuôi trong nhà màng, nuôi trong bể hoặc nuôi theo hình thức sinh thái…

Trong lĩnh vực thủy lợi, ngành đã đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các công trình ngăn các cửa sông lớn, đập dâng trên dòng chính để giải quyết vấn đề hạ thấp mực nước, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ; cải tạo, nâng cấp cống tưới, cống tiêu, cống tưới, tiêu kết hợp trên các tuyến đê sông, đê biển bảo đảm tưới, tiêu phục vụ đa ngành. Với địa hình ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đê là giải pháp chống lũ, bão cơ bản và lâu dài. 

Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn chú trọng đầu tư, củng cố, nâng cấp và kiên cố hóa lại hệ thống đê điều, bảo đảm an toàn phòng, chống lũ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội. 

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ cho điều chỉnh nắn tuyến một số tuyến đê, nâng cấp tuyến đê bối thành đê chính quốc gia để bảo vệ các khu dân cư tập trung phía ngoài đê, đồng thời mở rộng diện tích đất canh tác như: tuyến đê bối qua các xã Bình Thanh, Bình Định, Hồng Tiến (Kiến Xương), đê tả Trà Lý đoạn qua hai xã Hồng Minh, Chí Hòa (Hưng Hà)…

Thích ứng tốt với BĐKH là yêu cầu cấp thiết để phát triển. Ngành nông nghiệp cũng vậy, cần một chiến lược lâu dài về ứng phó với sự biến đổi của thời tiết, có như vậy mới đạt được các mục tiêu về nâng cao giá trị và phát triển bền vững.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày