Thứ 5, 28/11/2024, 06:38[GMT+7]

Vũ Thư: Kịp thời phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

Thứ 4, 04/05/2022 | 16:34:17
1,156 lượt xem
7.718 ha lúa xuân của huyện Vũ Thư đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Trên đồng ruộng hiện phát sinh một số đối tượng sâu, bệnh gây hại, đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ và bệnh khô vằn. Huyện phát động, nông dân kịp thời vào cuộc, tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo vệ an toàn lúa xuân.

Nông dân thôn Tây Hồ, xã Hòa Bình (Vũ Thư) phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ kết hợp bệnh khô vằn.

Trên cánh đồng Cột Điện, thôn Tây Hồ, xã Hòa Bình, nông dân đang tập trung tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân. Ông Bùi Văn Bi, thôn Tây Hồ chia sẻ: Đến nay lúa của gia đình ông đang giai đoạn làm đòng. Sau kiểm tra, ông Bi nhận thấy lúa đã nhiễm bệnh khô vằn, tỷ lệ vết bệnh khá nặng; ngoài ra có sâu cuốn lá nhỏ gây hại. Theo phát động của HTXNN xã, ông Bi kịp thời phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, kết hợp bệnh khô vằn…

Ông Trần Quý Bình, Giám đốc HTXNN Tân Phong (xã Việt Hùng) cho biết: Vụ xuân này, nông dân HTX gieo cấy 192 ha lúa, chủ lực là giống lúa Bắc thơm, T10. Đến nay, trên 10 ha lúa trà sớm đã thỏ thẻ trỗ, đại trà trong giai đoạn đứng cái, làm đòng. Qua kiểm tra, hầu hết các diện tích gieo cấy lúa Bắc thơm đã nhiễm bệnh khô vằn, tỷ lệ bệnh từ 10 - 30%; sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở các diện tích lúa ven làng, gieo cấy muộn, dày, lúa xanh tốt. Để bảo vệ an toàn lúa mùa, HTXNN phát động nông dân từ ngày 3 - 6/5, tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn cho 100% diện tích; kết hợp phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cho các diện tích lúa ven làng, gieo cấy muộn, dày, lúa xanh tốt. Qua nắm bắt, nhận thấy nhiều nông dân còn tâm lý chủ quan, đặc biệt tác động của giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng khiến nhiều hộ chưa quan tâm đầu tư chi phí cho khâu phòng trừ sâu bệnh, HTXNN tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động nông dân kịp thời tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng lịch để bảo vệ lúa xuân.

Bà Lê Thị Thu Hồi, Phó Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng toàn huyện, sâu cuốn lá nhỏ đã và đang rộ, mật độ bình quân 0,1- 0,3 con/m2, nơi cao 1- 2 con/m2, cá biệt 5- 7 con/m2; sâu non nở rộ từ ngày 29/4 - 8/5, gây hại bộ lá đòng và lá công năng. Nơi có mật độ sâu cao là các diện tích lúa xanh non, gieo cấy muộn, lúa dày, ruộng ven làng. Bệnh khô vằn đã phát sinh và lây lan nhanh, tỷ lệ bệnh 3- 7%, nơi cao 10- 20%, cục bộ 50- 60%, đặc biệt ở giống lúa Bắc thơm. Rầy đã và đang nở với mật độ 100- 200 con/m2, nơi cao 300- 500 con/m2, cục bộ 1.000- 1.500 con/m2; trứng rầy cục bộ 100- 200 ổ/m2 và tiếp tục nở.

Huyện Vũ Thư phát động nông dân từ ngày 3- 6/5, tiến hành phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích lúa xanh non, gieo cấy muộn, lúa dày; ruộng ven làng. Hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc như: Clever 150SC, Virtako 40WG, Takumi 20WG, Obaone 95WG… để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ. Đối với bệnh khô vằn cần phun phòng trừ khi tỷ lệ bệnh từ 5% trở lên. Đối với rầy, phát động bà con tích cực kiểm tra đồng ruộng, phun trừ khi mật độ rầy từ 800 con/m2 trở lên. Toàn bộ diện tích lúa trỗ bông trước ngày 10/5 cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần: lần 1 vào thời điểm lúa thỏ thẻ trỗ, lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn. Phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá khi tỷ bệnh 5% trở lên. Đặc biệt, tuyên truyền bà con tiến hành nhổ, tiêu hủy sớm lúa cỏ.

"Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện phối hợp với các địa phương, HTXNN tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân: không pha trộn quá 3 loại thuốc trong một bình. Trước khi phun, cần pha đều các loại thuốc trong chai từ 0,5- 1 lít, đậy nắp, lắc đều để tan hoàn toàn. Khi phun thuốc đi xuôi chiều gió, đi chậm, phun kỹ các tầng lá lúa. Phun vào lúc chiều mát đối với lúa đang trỗ bông; sau phun thuốc 3 giờ, nếu gặp mưa, nông dân cần tiến hành phun lại thuốc theo đúng nồng độ, bảo đảm hiệu quả phun phòng trừ sâu bệnh cao." bà Lê Thị Thu Hồi cho biết thêm.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày