Thứ 4, 06/11/2024, 03:57[GMT+7]

Kỹ thuật trồng đậu xanh

Thứ 5, 05/05/2022 | 09:05:31
3,344 lượt xem

1. Giống
Hiện nay có một số giống đậu xanh phổ biến được trồng tại Thái Bình cho năng suất cao, chống chịu tốt như: ĐX208; VC-6397; ĐX14; TX05...

2. Chuẩn bị đất trồng
Chọn đất: Đậu xanh trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng hữu cơ cao, tơi xốp, chủ động được tưới tiêu, đủ ẩm, độ pH từ 5,5 - 6,5. Đậu xanh rất thích hợp luân canh trên đất đã canh tác lúa, tuy nhiên không nên trồng đậu xanh trên những chân đất thấp, dễ bị ngập úng, nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất có độ pH thấp dưới 5.

Làm đất: Đất cần được cày bừa kỹ, làm tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại, dọn sạch hết tàn dư cây trồng vụ trước. Đối với các chân phù sa, đất bãi, có thể cày bừa một lần rồi gieo ngay để tranh thủ độ ẩm trong đất. Đối với các loại đất thịt cần cày bừa kỹ, số lần cày bừa nhiều hơn so với đất bãi, đất phù sa. Đối với các chân đất thịt và đất pha cát cần được cày sâu 25 - 30cm. Trên các chân đất phù sa, đất bãi, do đất đã có độ tơi xốp tự nhiên nên chỉ cần cày sâu khoảng 15 - 20cm.

Lên luống: Đối với điều kiện đất phù sa, đất cát pha có thể lên luống thành từng băng rộng 5 - 7m, dài 15 - 20m. Đối với các loại đất thịt khó thoát nước, cần lên luống với tỷ lệ rãnh lớn. Thường luống rộng 1 - 1,5m và dài 10 - 15m, rãnh rộng 30 - 40cm, sâu 25cm.

3. Thời vụ
Vụ xuân: Đậu xanh thường được gieo trong tháng 3 là chính, vì gieo sớm hơn, thời tiết còn lạnh.
Vụ hè: Gieo vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Vụ thu đông: Diện tích trồng đậu xanh không nhiều, phần lớn là để tranh thủ nhân giống có thể gieo từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9, nhưng tốt nhất là trong tháng 8.

4. Mật độ và kỹ thuật gieo trồng
Trước khi gieo nên phơi hạt ở nắng nhẹ để kích thích hạt nảy mầm đều. Lượng giống cần cho 1ha, gieo theo hàng từ 20 - 25kg.

Mật độ: Hàng cách hàng 40 - 45cm, hốc cách hốc 12 - 15cm, gieo 2 - 3 hạt/hốc. Độ sâu gieo hạt là 2 - 3cm, không nên gieo quá sâu cây sẽ khó mọc. Khi đậu mọc đều cần tỉa dặm, chỉ để 1 - 2 cây/hốc và đạt số lượng là 25 - 30 cây/m2.

5. Phân bón và cách bón phân
Phân bón: Lượng phân bón cho 01 sào: 30 - 40kg phân hữu cơ vi sinh (HCVS) + 15 - 20kg vôi bột + 2 - 4kg đạm urê + 15 - 20kg Lân Supe + 3 - 4kg Kali
Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ HCVS + vôi bột + lân supe. Vôi bột bón khi bừa đất lần cuối; chú ý không trộn lẫn vôi bột với các loại phân khác.
+ Bón thúc:
Lần 1: Khi cây có 1 - 2 lá thật bón 1/2 lượng phân đạm và 1/2 lượng phân kali, kết hợp xới, vun nhẹ phá váng, diệt cỏ làm cho đất thông thoáng, bộ rễ phát triển xung quanh.
Lần 2: Khi cây có 4 - 5 lá thật (khoảng 25 - 30 ngày sau gieo hay trước lúc cây ra hoa): Bón hết lượng phân còn lại vãi đều giữa 2 hàng đậu kết hợp xới, vun cao để chống đổ.

6. Chăm sóc
Dặm tỉa: Sau khi mọc từ 3 - 5 ngày cần phải dặm sớm những hạt ở những hốc không có cây mọc để bảo đảm mật độ, có thể ngâm hạt từ 4 - 6 giờ trước khi gieo để tranh thủ thời gian mọc mầm của hạt bảo đảm độ đồng đều quần thể. Từ 10 - 12 ngày sau khi mọc tiến hành tỉa bỏ những cây lẫn, cây bị bệnh, cây xấu, để 1 - 2 cây/hốc bảo đảm mật độ trồng khoảng 25 cây/m2.

Tưới tiêu: Bảo đảm độ ẩm đất trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây trên 80%. Tùy theo điều kiện thời tiết, đất đai, đồng ruộng để xác định chế độ tưới. Thông thường tưới từ 5 - 6 lần/chu kỳ sinh trưởng, tuyệt đối không để cây thiếu nước trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa và ra quả tập trung (25 - 35 ngày).
+ Tưới lần 1 (nếu đất khô hạn): Tưới trực tiếp vào hàng sau khi bón lót phân trước khi gieo hạt.
+ Tưới lần 2: Sau mọc 15 ngày, lần 3 sau mọc 30 ngày, lần 4 sau mọc 45 ngày, lần 5 sau mọc 60 ngày (Nếu độ ẩm đất < 80).

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày