Chủ nhật, 19/05/2024, 13:28[GMT+7]

Trăn trở đầu ra cho lúa ở Tây Tiến

Thứ 3, 31/08/2010 | 10:33:26
1,580 lượt xem
Tây Tiến là một xã vùng trũng của huyện Tiền Hải, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa sản xuất theo hướng hàng hoá, từ năm 2006 Tây Tiến chuyển 240ha vào gieo trồng giống lúa Bắc thơm và T10. Vụ Xuân vừa qua toàn xã thu hoạch 1000 tấn lúa chất lượng cao, song đến thời điểm cấy lúa mùa mà gần như toàn bộ số lúa đã thu hoạch được vẫn nằm trong các hộ dân vì không tiêu thụ được.

Bác Bùi Quang Trung và lượng lúa đang chờ tiêu thụ. Ảnh: Phan Anh

Gia đình bác Bùi Quang Trung, thôn Tân Lập có tổng diện tích trồng lúa 8, 35 sào, trong đó lúa chất lượng cao T10 là 6 sào. Vụ vừa qua gia đình thu hoạch được 1 tấn, khảo giá thị trường chỉ được 510 nghìn đồng /tạ, nếu tính chi phí trên một sào là: công thuê máy cày 13kg; công cấy 120 nghìn đồng; phân bón và thuốc trừ sâu 120 nghìn đồng; công gặt 120 nghìn; máy tuốt 25 nghìn đồng; các khoản đóng góp 7, 5 kg thì không có công của các nhân khẩu trong gia đình tham gia vào sản xuất lúa.

Thế nhưng, dù có bán hoà cũng không có nguồn tiêu thụ đầu ra  nên số thóc đành “ngậm ngùi” nằm trong góc bếp, trong khi áp lực chi tiêu gia đình, trang trải các khoản nợ đầu tư chi phí sản xuất đè nặng.

Không chỉ gia đình bác Trung mà các hộ trồng lúa chất lượng cao ở Tây Tiến đều chung cảnh ngộ, họ chỉ còn biết hy vọng vụ mùa thời gian kéo dài hơn lại là dịp giáp Tết giá thóc sẽ lên cao và thị trường tiêu thụ tốt.

Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tây Tiến cho biết: “ Phải mất rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi khảo nghiệm chúng tôi mới chọn được và đưa hai giống lúa này vào đồng đất địa phương.

Hai năm đầu  lúa T10 và Bắc thơm  cho kết quả rất tốt, bà con vô cùng phấn khởi vì hiệu quả kinh tế do giống lúa mới đem lại, nhưng vụ xuân năm vừa qua gần như không bán được lúa do Công ty TNHH Hưng Cúc, đơn vị trước nay bao tiêu sản phẩm lúa cho xã không thu mua nữa.

Mặt khác hiểu biết của người dân về kinh tế thị trường còn yếu, họ thường nghe ngóng giá cả nhưng lại không hiểu doanh nghiệp thu mua có thời điểm nhất định và theo hợp đồng của doanh nghiệp với đối tác”. Gíông lúa Bắc thơm, đặc biệt là T10 là giống lúa so với lúa trước kia bà con nông dân thường cấy có tính ưu việt hơn hẳn, hiệu quả kinh tế cao gấp 1, 5 lần do đây là lúa chất lượng cao và đầu vào chi phí sản xuất thấp hơn vì chi phí nhân công chăm sóc và thuốc trừ sâu ít hơn.

Rõ ràng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Tiến, đưa giống lúa T10 và Bắc thơm vào gieo trồng ở địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên những năm gần đây bối cảnh chung của ngành nông nghiệp cả nước là thị trường lúa bấp bênh, giá lúa sụt giảm liên tục, dân mỏi mòn chờ thương lái, ngồi nhìn đống lúa mà thở ngắn, than dài.

Vụ đông xuân 2010 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua lúa phải đảm bảo cho nông dân lãi 30% và đưa ra giá sàn thu mua lúa trên 4.000đ/kg.

Năm nay Thủ tướng có Quyết định số 993/QĐ-TTg hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp thu mua 1triệu tấn gạo vụ hè thu tạm trữ trong 4 tháng. Song đó chỉ là những giải pháp cấp bách, tạm thời vì không thể lấy giá thành sản xuất rồi nhân lên 30% và yêu cầu doanh nghiệp phải mua theo giá đó. Bởi giá thành mỗi nơi mỗi khác, mỗi nhà mỗi khác, còn giá bán phải theo thị trường và phải đảm bảo cho doanh nghiệp có lãi.

Ngoài ra, dù giá lúa có giữ ổn định nhưng chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn đội lên do giá xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu... leo thang từng ngày. Nhận thức rõ điều đó, tới đây Tây Tiến chuyển dần một số diện tích sang trồng lúa nếp, vẫn tiếp tục gieo trồng giống lúa chất lượng cao T10 và Bắc thơm trên cơ sở áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả biện pháp về công nghệ, kỹ thuật canh tác, trình độ canh tác, áp dụng cơ khí hoá, canh tác trên diện tích lớn... để người dân có năng suất cao hơn, qua đó giá thành hạ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hiện lúa chất lượng cao ở một số xã đã bắt đầu “nhúc nhích” tiêu thụ được nhưng cũng chỉ là tự phát, chưa mang tính ổn định lâu dài. Về vấn đề này, ông Trần Minh Tiến - Trưởng phòng nông nghiệp Huyện cho biết: huyện đang chỉ đạo phòng Nông nghiệp & PTNN phối hợp với phòng Công thương tìm kiếm đối tác nhằm sớm tiêu thụ lượng lúa tồn đọng, đồng thời xây dựng kế hoạch lâu dài cho đầu ra của lúa chất lượng cao Tiền Hải bằng một số giải pháp như: Tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho lúa chất lượng cao của Tiền Hải...

An ninh lương thực quốc gia phải bắt đầu từ an ninh lương thực của mỗi gia đình, hy vọng rằng những giải pháp của Tây Tiến và huyện Tiền Hải sẽ giúp người dân không còn phải trăn trở đầu ra cho lúa.

Phan Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày