Thứ 2, 23/12/2024, 07:22[GMT+7]

Làm giàu từ cây dược liệu

Thứ 6, 27/05/2022 | 08:40:34
3,876 lượt xem
Anh Nguyễn Văn Chuân, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) là một trong những hội viên nông dân làm kinh tế giỏi của xã. Anh đã mạnh dạn tích tụ hơn 2 mẫu đất bên sông Luộc trồng cây dược liệu đem lại thu nhập cao.

Anh Chuân (người bên phải) chăm sóc từng gốc cây dược liệu một cách cẩn thận.

Chứng kiến khu đất bãi ven sông Luộc cỏ mọc um tùm, người dân chủ yếu trồng một số loại cây ăn quả truyền thống thu nhập không cao nên nhiều năm trước anh Chuân đã ấp ủ mong muốn được đầu tư trồng những giống cây mới mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Năm 2017, anh quyết định thuê lại ruộng của các hộ dân ven sông Luộc và đưa cây ngưu tất vào trồng thử. Nhưng do chất đất không phù hợp anh gặp khó khăn ngay trong vụ đầu. Anh cho biết: Năm 2017 là thời điểm khó khăn nhất đối với gia đình tôi bởi khi ấy do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, cây ngưu tất phát triển không tốt, chất lượng cây kém nên giá thành thấp, tôi lỗ hơn 200 triệu đồng. Sau đó tôi được gia đình, bạn bè động viên, Hội Nông dân xã hỗ trợ vay vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nên quyết tâm làm lại.

Có vốn nhưng anh Chuân tính toán kỹ lưỡng hơn với mọi quyết định của mình, chủ động đi nhiều nơi, tìm hiểu kỹ đặc tính của cây trồng mình sẽ đầu tư, những mô hình đã thành công để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2019, anh đưa cây bạc hà, hoa cúc vào trồng và đầu tư nhà lạnh phục vụ chế biến, sấy khô và bảo quản sản phẩm. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ thu hoạch cúc và bạc hà năm ấy anh thắng lớn, không chỉ trả được hết số nợ trước đó mà còn có thêm nguồn vốn để đầu tư nhà lưới trồng cây hẹ.

Nếu như trước kia với mỗi cân hoa cúc tươi anh Chuân chỉ bán với giá 40.000 đồng/kg nhưng khi qua chế biến, sấy khô, bảo quản trong nhà lạnh anh bán với giá 1 triệu đồng/kg. Anh chia sẻ: Trước kia trồng cây hoa cúc, cây bạc hà chủ yếu là bán sản phẩm tươi cho doanh nghiệp để họ chế biến. Từ khi nhận thấy lợi nhuận đem lại từ việc sấy khô sẽ cao hơn bán tươi nên gia đình tôi đã quyết định đầu tư máy móc vào sản xuất. Hiện nay gia đình tôi đã chủ động in bao bì, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, quảng cáo trên các trang mạng xã hội và được nhiều người biết đến, lượng tiêu thụ tăng lên.

Có vốn trong tay, anh Chuân đầu tư thêm nhà lưới để trồng cây hẹ lấy bông bán cho các nhà hàng. Theo anh, hẹ là cây dược liệu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Giống cây hẹ được anh nhập từ Đài Loan về trồng cho bông to, thân giòn, có vị ngọt, có thể ăn sống nên được rất nhiều nhà hàng đặt mua. Việc bảo quản bông cây hẹ sau thu hoạch cũng rất dễ dàng bởi anh trồng theo phương pháp hữu cơ nên thời gian bảo quản có thể lên đến 1 tháng. Trung bình mỗi tháng gia đình anh Chuân thu về từ 2 - 2,2 tạ bông hẹ, xuất bán với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình tổng hợp của gia đình anh thu về từ 300 - 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.  

Với nguồn vốn và kinh nghiệm tích lũy được, anh Chuân đã vận động thêm 7 hộ trong xã cùng sản xuất trà hoa cúc, bạc hà và trồng hẹ cho gia đình anh. Năm 2020, anh làm hồ sơ thành lập HTX Nông sản và dược liệu Đồng Tâm và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Anh từng bước xây dựng được thương hiệu, không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm trên mạng xã hội mà còn đưa lên một số trang thương mại điện tử nên số đơn đặt hàng ngày càng tăng.

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng đánh giá: Anh Nguyễn Văn Chuân là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Từ hai bàn tay trắng, anh đã biết tận dụng lợi thế đồng đất của địa phương, mạnh dạn đưa giống cây mới về trồng đem lại thu nhập cao cho gia đình. Thời gian tới, Hội Nông dân xã An Đồng sẽ tạo mọi điều kiện để HTX Nông sản và dược liệu Đồng Tâm phát triển đồng thời tín chấp giúp hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày