Thứ 4, 06/11/2024, 01:26[GMT+7]

Tây Đô: Lúa còn trên đồng, dưa đã lên xanh

Thứ 5, 09/06/2022 | 08:31:23
1,421 lượt xem
Thời điểm này, khi những ruộng lúa trĩu bông mới ngả sang màu vàng thì nông dân xã Tây Đô (Hưng Hà) đã rẽ lúa đặt bầu trồng dưa lê. Nhiều năm nay, dưa lê đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao của bà con.

Nông dân xã Tây Đô thu hoạch lúa xuân, dưa lê đã lên xanh.

Trong khi tại các địa phương, lúa xuân mới ở giai đoạn chắc xanh thì tại xã Tây Đô, nhiều diện tích lúa đã được nông dân rẽ lúa đặt bầu. Có mặt tại cánh đồng thôn Duyên Trường, lẩn khuất dưới những khóm lúa vàng óng là những bầu dưa lê đã bén rễ, thấp thoáng ra hoa. 

Với kinh nghiệm trên 20 năm trồng dưa lê, ông Nguyễn Minh Chính, thôn Duyên Trường cho biết: Vì ảnh hưởng của trận mưa vừa qua nên dưa lê năm nay trồng muộn hơn mọi năm. Nếu thời tiết cứ nắng như thế này, dự kiến năm nay dưa lê tiếp tục được mùa. Dưa lê rất dễ trồng, gia đình tôi thường đặt bầu khi lúa còn chắc xanh, đến lúc lúa được thu hoạch thì dưa lê đã ngoi ngọn. Trồng dưa lê có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Như vụ hè năm 2021, gia đình tôi thu được 50 - 60 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục trồng 8 sào dưa lê. Hiện dưa đã phát triển tốt, chúng tôi đang tập trung chăm sóc để dưa ra hoa đậu quả.

Cũng giống như ông Chính, năm nay gia đình ông Nguyễn Hữu Mại, thôn Duyên Trường gieo trồng trên một mẫu dưa lê. Từ cuối tháng 5, gia đình ông đã rẽ lúa đặt bầu để kịp tiến độ. Ông Mại cho hay: Trồng dưa lê hiệu quả rất cao, một sào chúng tôi thu hoạch được 1 tấn quả mà thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 10.000 đồng/kg. Trong  2 tháng chúng tôi thu lãi 60 - 70 triệu đồng. Năm nay, dù đầu mùa thời tiết không thuận nhưng đến thời điểm này chúng tôi cơ bản yên tâm và tập trung chăm sóc cho dưa nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, thôn Duyên Trường đã gieo trồng được 100 mẫu dưa lê. Mặc dù là trồng luân canh nhưng đã giúp người dân có lãi hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy theo diện tích và kỹ thuật canh tác. 

Ông Trần Duy Hưng, Trưởng thôn Duyên Trường khẳng định: Đã thành thông lệ, khi lúa xuân chuẩn bị được thu hoạch, trên khắp cánh đồng bà con nông dân lại nhộn nhịp rẽ lúa đặt bầu. Nhiều năm nay bà con áp dụng máy móc vào làm đất, đánh luống... nên giảm được ngày công lao động, nâng cao hiệu suất canh tác. Dưa lê là cây trồng chủ lực của người dân trong thôn, mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình, vì thế bà con phấn khởi chủ động mở rộng diện tích.

Vụ hè thu năm 2021, toàn xã Tây Đô gieo trồng 118ha dưa lê cùng với một số diện tích trồng dưa hồng, dưa gang, dưa hấu xen giữa 2 vụ lúa cho thu nhập 18,52 tỷ đồng, là vụ sản xuất đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay. Trước đây, nông dân trong xã chủ yếu gieo trồng theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng kém. Những năm trở lại đây, bà con được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, đưa máy móc vào sản xuất, nhờ đó hạn chế sâu hại tấn công, giảm bệnh héo xanh góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Nguyễn Văn Quynh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hàng năm giá trị sản xuất từ dưa lê chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn xã. Để tạo bước đột phá về giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, UBND xã tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích, quy gọn vùng trồng các cây chủ lực thị trường cần với khối lượng hàng hóa lớn, bảo đảm sự liên kết hài hòa giữa sản xuất lúa và cây màu hè thu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi chú trọng đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng để thuận lợi cho việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất cây màu hè; chỉ đạo HTX DVNN chủ động liên kết với các công ty bao tiêu sản phẩm giúp bà con được mùa, được giá.

Trên những thửa ruộng xanh mướt của dưa lê là những giọt mồ hôi của người nông dân đang cần mẫn chăm sóc cho từng thửa ruộng của mình. Tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm của người dân, vụ dưa lê năm nay ở Tây Đô sẽ đạt hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã Tây Đô (Hưng Hà) tập trung bón phân cho cây dưa lê.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày