Thứ 4, 27/11/2024, 23:46[GMT+7]

Vũ Thư: Hiệu quả giàn sấy thóc

Thứ 3, 28/06/2022 | 08:51:12
1,354 lượt xem
Thay cho hình thức phơi thóc thủ công, giờ đây nhiều hộ nông dân ở Vũ Thư đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị sấy, còn gọi là giàn sấy thóc. Khắc phục khó khăn về thời tiết, sân phơi, giúp nông dân tiết kiệm nhân lực, chi phí bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng gạo là những ưu điểm giàn sấy thóc mang lại.

Anh Lê Văn Tuấn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong (Vũ Thư) kiểm tra thóc tại giàn sấy của gia đình.

Video: 28622-VU_THU_DUA_GIAN_SAY_NONG_SANG_VAO_SAN_XUAT_LUA_HANG_HOA.mp4?_t=1656408469

Nhiều năm nay, gia đình anh Ngô Văn Chuẩn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong tích tụ từ 23 - 30ha ruộng để sản xuất lúa, sản lượng thóc mỗi vụ đạt 180 - 230 tấn. Trước kia, khi chưa có giàn sấy thóc, anh Chuẩn gặp rất nhiều bất cập, khó khăn như thiếu sân phơi, phụ thuộc điều kiện thời tiết, tốn nhiều chi phí thuê lao động, vận chuyển thóc... Có vụ anh đã phải tiêu hủy hơn 5 tấn thóc do sau thu hoạch thời tiết mưa, không thể phơi, thóc bị thối hỏng. Năm 2019, anh quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt giàn sấy thóc, công suất sấy 12 tấn thóc/mẻ, mỗi mẻ từ 12 - 15 giờ. Anh Chuẩn cho biết: Có giàn sấy khắc phục được khó khăn về thời tiết, sân phơi, giảm chi phí cho khâu phơi thóc, bớt vất vả, lại rất tiện lợi. Ngoài ra, do nhiệt độ giàn sấy ổn định từ 40 - 420C nên hạt thóc được sấy khô kiệt từ từ, gạo không bị gẫy nát khi chà xát vỏ, chất lượng cơm ngon hơn.

Do sản lượng thóc thu hoạch chỉ khoảng 45 - 50 tấn/vụ nên gia đình anh Lê Văn Tuấn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong đầu tư lắp đặt giàn sấy có công suất 2 tấn/mẻ. Sau 2 năm sử dụng, giàn sấy đã khẳng định hiệu quả rõ rệt. Anh Tuấn cho biết: Từ ngày lắp đặt giàn sấy, gia đình tôi thu hoạch về là chỉ việc đổ thóc luôn vào máy sấy. Sau khoảng 15 tiếng, thóc khô có thể đóng vào bao, cất vào kho dự trữ, vừa nhàn vừa chủ động thời điểm xuất bán ra thị trường. Giàn sấy có cơ chế hoạt động đơn giản, dễ vận hành; nhiên liệu cho giàn sấy thường là than, củi, trấu hoặc điện, khá tiết kiệm chi phí.

Với 17ha lúa, vụ xuân năm nay gia đình anh Nguyễn Đình Sáng, thôn Nội, xã Minh Khai thu hoạch được trên 110 tấn thóc. Tuy nhiên, do chưa có giàn sấy nên anh phải vận chuyển 30% lượng thóc đến một doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh ngoài để thuê sấy, chi phí tăng lên. 70% lượng thóc còn lại anh buộc phải bán thóc tươi, dù thời điểm này giá thóc đang giảm mạnh. Áp lực lớn về khâu phơi sấy thóc, cộng với cơ chế hỗ trợ kinh phí của tỉnh tạo động lực để gia đình anh Sáng quyết tâm đầu tư lắp đặt 1 giàn sấy thóc công suất khoảng 10 - 15 tấn/mẻ tại gia đình ở vụ tới. Anh Sáng chia sẻ: Để lắp đặt 1 giàn sấy như này, gia đình tôi cần đầu tư tổng kinh phí 350 - 400 triệu đồng và phần mặt bằng từ 100 - 200m2, trong đó hiện nay tôi gặp khó khăn nhất là chưa có mặt bằng để đặt giàn sấy. Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về mặt bằng để tôi sớm lắp đặt được giàn sấy phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây không chỉ là mong mỏi của gia đình tôi mà của nhiều hộ sản xuất lúa quy mô lớn hiện nay.

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Đến nay, huyện đã áp dụng cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất lúa như: làm đất, gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch. Tuy nhiên, khâu phơi sấy, bảo quản sản phẩm hầu hết vẫn thực hiện thủ công. Toàn huyện có trên 7.700ha lúa nhưng mới chỉ có trên 10 giàn sấy thóc ở một số địa phương như Tân Phong, Tự Tân, Vũ Hội, Vũ Vân. Thực tế cho thấy các giàn sấy đóng góp tích cực giúp nông dân chủ động khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí đầu tư; nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao lợi nhuận sản xuất. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh; khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí, các địa phương vào cuộc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện giúp các hộ có nhu cầu sớm lắp đặt thiết bị sấy phục vụ sản xuất.

Áp dụng giàn sấy để bảo quản sản phẩm không chỉ góp phần cơ giới hóa 100% khâu sản xuất, mà còn là yêu cầu tất yếu nhằm sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, bền vững huyện Vũ Thư đang hướng đến.

Chỉ sau 12 - 15 tiếng ở giàn sấy, thóc đã khô kiệt, có thể đóng bao để bảo quản tốt hơn.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày