Thứ 3, 05/11/2024, 21:25[GMT+7]

Làm giàu từ chăn nuôi lợn

Thứ 6, 01/07/2022 | 08:43:55
2,391 lượt xem
Thay vì đi làm ăn xa quê như nhiều bạn bè, anh Nguyễn Văn Kiên quyết định ở lại quê nhà thôn Tân Tiến, xã Hợp Tiến (Đông Hưng) để phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi lợn.

Anh Nguyễn Văn Kiên, xã Hợp Tiến (Đông Hưng) đầu tư chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao.

20 năm kiên trì và cũng trải qua nhiều thất bại, anh Kiên đã đạt được những thành quả đáng mơ ước với trang trại rộng gần 3.000m2 và thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2004, anh Kiên mạnh dạn vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại khoảng 100m2 và nuôi hơn 10 con lợn giống. Sau 8 năm vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, anh Kiên quyết đầu tư chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả để mở rộng quy mô chăn nuôi. Để có đầu ra ổn định, anh tự kết nối bán lợn cho thương lái không qua trung gian. Bình quân mỗi năm anh xuất bán từ 5 - 10 tấn lợn thịt, thu về khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Bước đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn với mô hình nuôi lợn quy mô lớn song gia đình anh Kiên cũng đã có được những thành công nhất định.

Đang chăn nuôi thuận lợi có thu nhập ổn định thì năm 2017 giá lợn hơi xuống mức thấp kỷ lục còn khoảng 17.000 đồng/kg, lợn đến kỳ xuất bán không ai mua khiến việc chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp đến năm 2018, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát càng khiến gia đình anh thêm lao đao. 

Anh Kiên cho biết: Hai vợ chồng rớt nước mắt khi nhìn 12 tấn lợn đến kỳ xuất bán mắc bệnh phải mang đi tiêu hủy, thiệt hại trên 1 tỷ đồng, kiệt quệ hết vốn liếng. Thời điểm đó, nhiều chủ trang trại bỏ chuồng, bỏ nghề nuôi lợn thì tôi vẫn quyết tâm bám trụ với trang trại, với đàn lợn bởi cơ sở vật chất đã đầu tư rồi bỏ sao được. 

Cuối năm 2019, với 10 con lợn nái còn sót lại, anh Kiên dốc vốn mua thêm 25 lợn nái nữa để gây dựng trang trại chăn nuôi lại từ đầu. Anh tích cực học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật phòng dịch bệnh và chăm sóc cho đàn vật nuôi đúng cách. Trời không phụ lòng người, sau dịch bệnh thì chăn nuôi phục hồi, nhu cầu thịt lợn trên thị trường tăng lên nên giá lợn hơi tăng mạnh, có thời điểm hơn 90.000 đồng/kg lợn hơi đã giúp việc chăn nuôi của gia đình anh Kiên chuyển từ lỗ sang lãi. Năm đó, anh thu từ trang trại được khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay, trang trại của anh không chỉ cung cấp lợn thịt mà còn xuất bán lợn giống cho nhiều hộ chăn nuôi khác. Anh Kiên đang nuôi 50 con lợn nái, 100 con lợn thịt và 100 lợn con với tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Lợn sinh sản đến đâu ngoài xuất bán lợn con anh lại gối vụ nuôi đến đó. Trung bình mỗi năm, trang trại xuất ra thị trường khoảng 30 - 40 tấn lợn thịt, doanh thu đạt từ 5 - 7 tỷ đồng.

Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên.

Ông Nguyễn Ngọc Diên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến cho biết: Trang trại chăn nuôi khép kín của gia đình anh Kiên là một trong những mô hình tiêu biểu của xã không chỉ mang hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo đảm tốt vệ sinh môi trường. Thời gian tới, Hội Nông dân xã khuyến khích hội viên tích cực phát triển kinh tế, học tập kinh nghiệm chăn nuôi của anh Kiên để đầu tư nuôi lợn và các loại gia súc, gia cầm khác. Cùng với đó, tổ chức hội cũng sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân để họ áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

Bằng sự linh hoạt, sáng tạo, kiên trì, chủ trang trại như anh Kiên đã và đang tìm được hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, chăn nuôi cũng gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, hội nông dân cần quan tâm hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, kết nối tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho bà con... Đây sẽ là điều kiện tiên quyết giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả.


Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày