Thứ 7, 21/12/2024, 15:38[GMT+7]

Vũ Thư: Vận động nông dân biến rơm rạ thành phân bón

Thứ 2, 04/07/2022 | 09:28:27
1,720 lượt xem
Sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch giúp phân hủy nhanh, tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa, đồng thời biến rơm rạ thành nguồn phân bón tại chỗ, không cần đốt, góp phần bảo vệ môi trường. Với lợi ích kép này, bước vào vụ mùa năm nay, huyện Vũ Thư đẩy mạnh tuyên truyền nông dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên đồng ruộng.

Nông dân thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri trộn với đất bột rắc lên mặt ruộng để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Vụ mùa năm 2021, do không chú trọng khâu xử lý rơm rạ nên gần 10 mẫu lúa của gia đình chị Vũ Thị Đoan, thôn Nội, xã Minh Khai bị ngộ độc hữu cơ, cây lúa bị bệnh vàng lá, kém phát triển. Chị Đoan đã vất vả và tốn kém khâu phục hồi lúa nhưng năng suất vẫn giảm 20 - 30%. Được HTXNN xã Minh Khai tuyên truyền, tập huấn, vụ mùa năm nay, chị Đoan quyết định đầu tư hơn 10 triệu đồng mua chế phẩm sinh học Sumitri để xử lý rơm rạ cho 50 mẫu ruộng của gia đình. 

Chị Đoan cho biết: Thu hoạch lúa xuân xong, tôi trộn chế phẩm sinh học Sumitri với đất bột hoặc cát khô, rắc đều lên mặt ruộng bao gồm cả rơm, gốc rạ, sau đó máy cày sẽ làm đất như thông thường. Chế phẩm sinh học giúp phân hủy nhanh rơm rạ, tôi không còn lo lắng lúa mùa bị ngộ độc hữu cơ nữa.

Ông Nguyễn Hồng Phú, Giám đốc HTXNN xã Minh Khai cho biết: Vụ mùa năm nay, HTXNN xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của việc đốt rơm rạ; đồng thời tuyên truyền ý nghĩa, tập huấn kỹ thuật sử dụng một số chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ cho nông dân. HTXNN xã cũng lựa chọn, cung ứng đủ số lượng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất. Nhờ đó, ở vụ mùa này, nông dân Minh Khai đã áp dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ được khoảng 150ha trong tổng số 320ha ruộng.

Thay vì bầu không khí ngột ngạt do khói rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch, mấy năm gần đây, môi trường làng quê xã Nguyên Xá được cải thiện rõ rệt. Đây là hiệu quả của việc nhiều hộ đã dừng đốt rơm rạ, chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học. 

Ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc HTXNN xã Nguyên Xá cho biết, ngoài tuyên truyền sâu rộng tới xã viên, HTXNN còn tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri để xử lý rơm rạ cho hơn 20 hộ tích tụ ruộng đất của xã. Thông qua nhiều kênh, HTXNN chủ động tiếp cận, tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng chế phẩm sinh học. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, đến nay hầu hết bà con đã sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần tích cực giúp cây lúa không bị ngộ độc hữu cơ, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất… 

Ông Bùi Văn Thang, thôn Kiến Xá chia sẻ: Đây là vụ thứ 5 gia đình tôi sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Sau mỗi vụ thu hoạch, tôi không phải vất vả thu gom, hong khô rơm rạ, rồi đốt trộm ngay tại ruộng như trước kia. Ngoài ra, rơm rạ được phân hủy thành phân bón giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng nên gia đình tôi giảm được lượng phân bón lót 2kg NPK/sào, tiết kiệm hơn 30.000 đồng/sào. Cách sử dụng chế phẩm này rất đơn giản, chi phí đầu tư từ 25.000 - 30.000 đồng/sào.

Huyện Vũ Thư có trên 7.700ha lúa/vụ, tổng sản lượng ước đạt 54.000 tấn thóc/vụ, tổng lượng rơm rạ sau thu hoạch khoảng 65.000 tấn/vụ. Thông thường, thời gian chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa chỉ khoảng 10 - 20 ngày, nếu nông dân vùi rơm rạ tươi xuống ruộng, rơm rạ chưa kịp phân hủy triệt để sẽ làm cho lúa mùa bị ngộ độc, lúa sinh trưởng chậm, dễ nhiễm bệnh, năng suất kém. Tuy nhiên, nếu nông dân đốt rơm rạ tràn lan như hiện nay sẽ gây nhiều hệ quả xấu cho môi trường và sản xuất. 

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ là giải pháp hữu hiệu, vừa khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường vừa nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Do đó, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ hiệu quả. Các HTXNN tích cực lựa chọn, giới thiệu, cung ứng các chế phẩm sinh học có hiệu quả cao, dễ sử dụng, chi phí thấp để bà con ứng dụng vào sản xuất. Các địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ cho nông dân, đặc biệt các hộ tích tụ ruộng đất. Vũ Thư phấn đấu sẽ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học cho 100% diện tích gieo cấy ở vụ mùa năm 2023.

Quỳnh Lưu 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày