Thứ 3, 05/11/2024, 19:18[GMT+7]

Chị Sim nuôi chim bồ câu Pháp

Thứ 6, 05/08/2022 | 14:45:28
2,796 lượt xem
Khi nhiều chủ trại chim bồ câu Pháp đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì chị Phạm Thị Sim, ở xã Trọng Quan (Đông Hưng) đã xuất ra thị trường trên 300 đôi chim bồ câu mỗi tháng, thu trên 35 triệu đồng.

Một đôi chim giống bồ câu Pháp có giá 200.000 - 300.000 đồng.

Trước khi trở thành chủ trại chim rộng 180m2 như hiện nay, chị Sim chỉ quanh quẩn cả ngày với chiếc máy may và thỉnh thoảng làm thơ. Vì công việc làm may không ổn định, thu nhập thấp nên chị đã quyết định tìm cho mình hướng đi mới. Chị dành cả năm trời để học hỏi và bắt đầu làm quen công việc chăn nuôi. Là người chưa từng làm những công việc liên quan đến nông nghiệp nên chị không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Sau khi tham quan nhiều mô hình nuôi chim bồ câu Pháp trong và ngoài tỉnh, nhận thấy tiềm năng kinh tế của giống chim này, chị Sim đã tìm mua con giống ở nơi uy tín, chất lượng về để nuôi. Ban đầu chị chỉ mua 5 đôi chim bố mẹ để chăm sóc và nhân giống. Do bồ câu Pháp là giống chim mới, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên khởi đầu của chị Sim không được như mong muốn. 

Chia sẻ về khoảng thời gian ấy, chị cho biết: Mọi người vẫn hay gọi tôi là “tiểu thư”, “suốt ngày thơ ca” thì sao làm được công việc nhà nông. Khi quá trình chăm sóc và nhân giống chim bồ câu Pháp không thành công, nhiều người cũng khuyên tôi nên dừng lại”. Nhưng bản thân không cho phép mình dễ dàng bỏ cuộc, tôi muốn tiếp tục mua thêm con giống để bắt đầu lại. Sau nhiều lần tìm tòi và đổi mới phương pháp chăm sóc, tôi đã thành công nhân giống lên 20 đôi chim.

Nắm chắc kỹ thuật, các cặp chim của chị Sim liên tục sinh sản, phát triển đến khi chuồng trại tạm đã không còn đủ chỗ cho những con chim, chị mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đầu tư trên 350 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua thêm con giống. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát khiến cho mọi việc trở nên khó khăn, trại chim của chị Sim cũng không phải ngoại lệ. Trong cái khó ló cái khôn, chị Sim bắt đầu đưa sản phẩm của mình tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng mạng xã hội. Bắt đầu làm quen với cách thức bán hàng mới còn nhiều khó khăn nhưng chị đã nhanh chóng thích nghi. Không những vậy, chị còn khéo léo kết hợp niềm đam mê làm thơ với công việc kinh doanh. Thông qua những bài thơ vui vẻ, mộc mạc đăng tải trên trang cá nhân, chị đã kết nối được với nhiều người có cùng sở thích. Vừa làm thơ vừa bán chim, công việc kinh doanh của chị tốt hơn. Trước đây, mỗi tháng chị bán được trên 200 đôi chim bồ câu, thu nhập khoảng 25 triệu đồng, giờ mỗi tháng chị bán trên 300 đôi, thu trên 35 triệu đồng.

Đến nay, lúc nào trong trại chim của chị cũng có trên 500 đôi chim bồ câu Pháp. Nhờ việc thường xuyên đăng thơ của mình trên mạng xã hội, trại chim của chị dần được nhiều khách hàng biết đến, công việc kinh doanh cũng dần đi vào ổn định. 

Chia sẻ về giống chim bồ câu Pháp, chị Sim cho biết: Chim bồ câu Pháp là giống chim dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là ngô. Để chim phát triển và sinh sản tốt cần bảo đảm nguồn thức ăn sạch và thường xuyên vệ sinh chuồng trại tránh nấm mốc. Sau 4 - 5 tháng tuổi, bồ câu bắt đầu sinh sản, mỗi lứa đẻ 2 quả trứng. Trải qua 18 ngày ấp và 25 ngày chăm sóc chim non có thể được xuất chuồng. Một đôi bồ câu giống có giá 200.000 - 300.000 đồng, bồ câu thương phẩm 120.000 đồng/đôi. Thịt chim bồ câu Pháp thơm ngon, kích cỡ lớn hơn nhiều so với giống chim khác nên được khách hàng ưa chuộng.

Anh Dương Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Quan cho biết: Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của chị Sim là mô hình mới tại địa phương. Hình thức kinh doanh cũng khá mới mẻ và hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để người nông dân được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng, khuyến khích nông dân đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày