Chủ nhật, 24/11/2024, 13:25[GMT+7]

Thu nhập khá nhờ nuôi cá kết hợp làm vườn

Thứ 5, 11/08/2022 | 06:31:47
1,075 lượt xem
Câu nói của người xưa “Muốn giàu nuôi cá” quả đúng với trường hợp của ông Phạm Văn Sáng, thôn Lương Đống, xã Hà Giang (Đông Hưng). Chính nhờ nuôi cá truyền thống kết hợp làm vườn, ông Sáng thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Thanh long được trồng ven bờ ao thuận lợi cho cây phát triển.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn và ao của gia đình, ông Sáng cho biết: Trước đây gia đình buôn bán vật liệu xây dựng nhưng sau thấy ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp, tuổi đời thì đã cao, tôi dừng không kinh doanh nữa. Đúng lúc đó, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình, tôi bàn với vợ mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ ruộng cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và thuê thêm đất của xã đầu tư hàng trăm triệu đồng đào ao nuôi cá truyền thống, đổ đất đôn thành vườn trồng cây ăn quả. 

Trên diện tích 6.000m2, tôi dành 2.400m2 đào ao thả cá, chủ lực là cá chép, cá trắm, trong đó 1 ao lớn thả cá thịt, 3 ao nhỏ chuyên gột cá giống vừa không phải mua cá giống vừa bán cho bà con về nuôi. Thức ăn của cá chủ yếu tận dụng từ cây chuối thái nhỏ, bèo và cỏ. Vì thế, dù thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao song ít ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình. Nuôi cá không mất nhiều công, ít dịch bệnh lại có đầu ra ổn định, bởi vậy nhiều năm qua cá vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Sáng.

Diện tích còn lại ông Sáng chia thành từng vùng trồng 300 khóm thanh long ruột đỏ và ruột trắng, 80 cây mít dai vàng bản địa, mít Thái và trồng hàng chục cây nhãn lồng Hưng Yên. Hiện nay, trên 100 khóm thanh long và mít đã cho thu hoạch, còn nhãn mới bói quả. Để có vườn cây như ý, ông Sáng tìm tới các đơn vị cung cấp cây giống chất lượng mua về trồng, ông cũng hỏi cặn kẽ cách trồng, chăm sóc để về áp dụng. Dưới bàn tay của vợ chồng ông Sáng, đặc biệt là việc tuân thủ đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc dành cho từng loại cây, cây trong vườn không chỉ có tỷ lệ sống cao mà còn phát triển nhanh, sớm ra hoa, trĩu quả, quả ngon ngọt, thương lái thường tới tận vườn mua với giá cao. 

Ông Sáng chia sẻ: Để cây thanh long đạt sản lượng cao, chất lượng tốt, ngoài việc chọn giống tốt, phải dựng trụ xi măng cho cành thanh long bám vào vừa giúp cây phát triển nhanh vừa dễ chăm sóc và thu hoạch; cung cấp đủ nước, đặc biệt là trong thời điểm mùa khô hoặc cây đang phát triển, chuẩn bị ra quả, quả sắp chín; bón phân đúng liều lượng, đúng thời điểm; cắt tỉa bớt cành già, cành non; diệt trừ kiến, ruồi, ốc sên nhỏ để bảo vệ quả thanh long. Mít là cây đặc sản của địa phương, ông Sáng đã có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc, do vậy cây mít nào cũng ra nhiều quả, cùi dày, ngọt, được khách hàng ưa thích tìm tận vườn mua. Vẫn là mảnh ruộng xưa cấy cầy vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng đáng là bao nhưng nay được cải tạo, đầu tư nuôi, trồng cây con thích hợp, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập cao gấp nhiều lần. Nhờ đó, ông Sáng có tiền nuôi con ăn học, đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang.

Nói về mô hình kinh tế của ông Phạm Văn Sáng, đồng chí Chu Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hà Giang cho biết: Ông Sáng dù tuổi đã cao song không cam chịu đói nghèo mà chịu khó, sáng tạo và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp; vẫn là cây, con truyền thống song lại cho hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con để cùng phát triển kinh tế gia đình. Mô hình phát triển kinh tế nuôi cá kết hợp làm vườn của ông Sáng là một hướng đi khá hiệu quả và có tính bền vững, đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình như của ông Sáng nhằm thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Phạm Văn Sáng, thôn Lương Đống, xã Hà Giang chăm sóc ao cá của gia đình.


Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày