Thứ 4, 27/11/2024, 19:33[GMT+7]

Thái Thụy: Tập trung chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa

Thứ 6, 19/08/2022 | 09:06:18
2,903 lượt xem
Do được gieo cấy đúng khung lịch thời vụ và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay 12.850ha lúa mùa của huyện Thái Thụy đang sinh trưởng và phát triển tốt. Bà con nông dân đang tập trung thực hiện tốt việc chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh, bảo đảm đạt năng suất, sản lượng vụ mùa năm 2022.

Nông dân xã Thái Giang (Thái Thụy) phun trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

Vụ mùa năm nay, xã Thái Giang gieo cấy hơn 383ha lúa, chủ lực là các giống BC15 và các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, T10, TBR27. Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo trồng cây màu vụ đông sớm. Đến nay, lúa mùa trên địa bàn xã đang bước vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển mạnh, trà lúa đại trà đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ nên việc chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa được nông dân trong xã rất quan tâm. 

Ông Phạm Văn Đắc, thôn Phát Lộc Tây cho biết: Sau khi hoàn thành gieo cấy hơn 1 mẫu ruộng theo lịch thời vụ, tôi thường xuyên ra thăm đồng ruộng, kiểm tra lượng nước và theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Để cây lúa phát triển tốt, gia đình đã chủ động mua phân về bón thúc và phun trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã phun trừ sâu bệnh 2 lần gồm diệt ốc bươu vàng và trừ rầy lưng trắng, nguồn môi giới bệnh lùn sọc đen trên lúa.

Theo ông Nguyễn Huy Giáp, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Giang: Xác định công tác chăm sóc và bảo vệ lúa mùa là yếu tố quyết định để bảo đảm cho vụ lúa giành thắng lợi nên ngay sau khi gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ, HTX đã đôn đốc nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc, luôn duy trì mực nước nông trên mặt ruộng, bón thúc ngay sau khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh bằng các loại NPK chuyên dùng và bón thêm phân kali để cây lúa tăng sức đề kháng với sâu bệnh, không nên bón đạm đơn để giảm phát sinh bệnh bạc lá. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đồng ruộng theo dõi chuột, ốc bươu vàng, các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại để phun phòng, trừ kịp thời ngay trên diện hẹp không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng tới năng suất lúa vụ mùa. Hiện nay, rầy lưng trắng đang phát sinh tại một số diện tích lúa mùa trong xã, do đó HTX đang đôn đốc bà con thực hiện phun trừ rầy tại các diện tích bị nhiễm với mật độ cao để tiêu diệt nguồn môi giới gây bệnh lùn sọc đen.

Từ đầu vụ mùa đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đến thời điểm này diện tích lúa trong huyện bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, qua điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trên đồng ruộng nguồn rầy lưng trắng đang phát sinh mật độ rầy non nơi cao từ 60 - 80 con/m2, cá biệt có nơi cao từ 100 - 200 con/m2, đây là lứa quan trọng nhất trong vụ. Tuy mật độ rầy ở lứa này không cao nhưng mức độ lây truyền bệnh lùn sọc đen rất lớn. Mặt khác, lúa cỏ hiện đã xuất hiện trên diện tích lúa gieo sạ, tập trung ở các xã Tân Học, Thái Thịnh, Thái Thọ, Dương Hồng Thủy, Thái Giang, Thái Phúc..., mức độ phát sinh của bệnh lớn hơn ở vụ mùa năm 2021. Để bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế mức thấp nhất do bệnh lùn sọc đen, rầy các loại và lúa cỏ gây hại ở đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện đã và đang tăng cường tuyên truyền, đôn đốc nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm nhất các cây lúa có biểu hiện khác thường về sinh trưởng như: cây thấp lùn, lá ngắn, xoắn và có màu xanh đậm, bộ rễ kém phát triển thì nhổ bỏ, tiêu hủy ngay để hạn chế lây lan. Khuyến cáo người dân sử dụng một trong các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như: Chess 50WG, Penalty 40WP, Oshin 20WP, Midan 10WP, Goldtress 10WP... để phòng, trừ rầy, hạn chế nguồn môi giới truyền virus gây bệnh lùn sọc đen. Đối với diện tích bị lúa cỏ cần áp dụng ngay các biện pháp nhổ bỏ, xới lật để hạn chế sự cạnh tranh thức ăn với cây lúa.

Theo dự báo, thời gian tới, sẽ xuất hiện nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại do thời tiết diễn biến bất thường, mưa, nắng xen kẽ. Để bảo đảm đạt được cả năng suất và sản lượng lúa vụ mùa, ngoài công tác chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn, đôn đốc của cán bộ chuyên môn thì bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có hướng chăm sóc, phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.  

Nông dân xã Dương Hồng Thủy căng nilon để phòng, chống chuột phá hại lúa mùa. 

 Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày