Thứ 7, 23/11/2024, 08:03[GMT+7]

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới

Thứ 5, 01/09/2022 | 09:01:02
942 lượt xem
Từ đầu năm 2022, Trung Quốc chính thức thực hiện các yêu cầu, quy định mới đối với doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường này. Để không bỏ lỡ thị trường lớn bậc nhất thế giới, nhiều ngành hàng sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm trong nước đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu.

Công nhân Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc chế biến chanh leo. Ảnh TUẤN LUYỆN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tám tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 6,5 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của một số mặt hàng như: rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao-su, thủy sản...

Chuẩn hóa vùng sản xuất

Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa cho biết: Hiện, thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi đối với nông sản nhập khẩu. Đó là, thay đổi trong hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm với các thủ tục đánh giá rủi ro nhập khẩu mới; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống quản lý và giám sát trên cơ sở thực hiện Lệnh 248, 249; các chính sách bảo đảm an toàn dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua giám sát hệ thống quản lý phòng dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kiểm tra Covid-19 trên bao bì và phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh... Chính vì vậy, các quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển nông sản của Việt Nam đều cần được chuẩn hóa để phù hợp với yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Đối với mặt hàng rau quả và trái cây tươi, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vô cùng rộng lớn. Thống kê cho thấy, hằng năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 500 triệu tấn rau củ; 120-130 triệu tấn trái cây tươi; 30-35 triệu tấn trái cây qua chế biến (nước trái cây, trái cây đông lạnh); nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn trái cây tươi từ thế giới, giá trị hơn 10 tỷ USD/năm. Riêng với sầu riêng và chanh leo, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn trong thời gian qua và tăng đều qua các năm. Ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) cho rằng: Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng của Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để sầu riêng bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc. Hiện công ty đã liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc theo đường chính ngạch; đồng thời đẩy mạnh thiết lập hồ sơ đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, hướng tới xây dựng vùng liên kết sản xuất sầu riêng có diện tích lớn nhất cả nước được cấp mã. Đầu năm 2022 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Krong pac Durian Sầu riêng Krông Pắc" cho sầu riêng huyện Krông Pắc, Đắk Lắk. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và là cơ sở để xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam.

Về mặt hàng thủy sản, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO) Lê Hằng cho biết: Trung Quốc là thị trường lớn, đa dạng vùng miền, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm. Từ đó, có thể tìm hiểu kỹ từng vùng, địa phương để khai thác nhu cầu ở từng phân khúc thị trường khác nhau. Trung Quốc hiện nay có 26 tỉnh, thành phố đang nhập khẩu thủy sản, có thể coi đây là 26 thị trường, giống như tiếp cận thị trường thành viên của EU. Chính sách, quy định của các địa phương ở Trung Quốc hiện không nhất quán, không theo thông lệ nhất định nên cần có khảo sát ở cấp độ thị trường địa phương để khai thác nhu cầu và gia tăng thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trong đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát dịch bệnh. Theo Cục Thú y, việc xây dựng vùng, chuỗi cơ sở an toàn dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tính đến nay, cả nước đã có 24 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cục đang tiếp tục hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu, bao gồm: Tập đoàn Việt Úc (Bạc Liêu, Bình Định và các địa phương khác); Công ty cổ phần Thực phẩm Trung Sơn (Kiên Giang); Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên), Công ty TNHH Moana Ninh Thuận. Chi cục Chăn nuôi và Thú y một số tỉnh cũng đang hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đặc biệt là khảo sát và hướng dẫn xây dựng kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh.

Thủy sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ảnh TRẦN QUỐC

Thích ứng việc điều chỉnh chính sách

Ông Nguyễn Sơn (Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) cho biết: Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về các vấn đề liên quan nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Theo đó, hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; ban hành Lệnh 248, 249; tăng cường thực thi pháp luật với chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp; tái cơ cấu bộ máy quản lý khi sáp nhập một phần chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) vào Tổng cục Hải quan. Ngoài ra, nước này còn đổi mới phương thức quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại biên giới và quản lý quy trình sản xuất nông sản tại cơ sở nuôi trồng hàng xuất khẩu thông qua việc kiểm tra giám sát cơ sở; đăng ký mã nhà xuất khẩu, nhà sản xuất; mã vạch truy xuất nguồn gốc; chứng nhận quy trình nuôi trồng VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, họ còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với nông sản nhập khẩu trên cơ sở giám sát tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, nguồn xả thải của các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản,... Do đó, trước mắt, các địa phương, vùng trồng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhân rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP). Về lâu dài, cần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng các nguồn nguyên liệu của quá trình sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế và giảm xả thải ra môi trường. Muốn làm được điều này thì cần giải quyết thách thức khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là đòi hỏi sản xuất quy mô lớn và nguồn vốn lớn đầu tư vào công nghệ.

Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) Lê Anh Trung thông tin thêm: Việc ký Nghị định thư xuất khẩu nông sản với Trung Quốc mở ra cơ hội cho hàng hóa nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người sản xuất và doanh nghiệp. Cụ thể như đối với sầu riêng, ngoài việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thì trung tuần tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số cơ sở đóng gói, vùng trồng sầu riêng theo danh sách Cục Bảo vệ thực vật gửi cho hải quan Trung Quốc. Sau khi kiểm tra, đánh giá mới có kết luận và thông báo chính thức các mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu. Do đó, muốn thích ứng nhanh, hiệu quả với những yêu cầu từ phía Trung Quốc thì liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng. Trong đó, cần xác định rõ đối tượng muốn tham gia liên kết thông qua hội nghị định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ; tổ chức tập huấn theo nhóm quy trình sản xuất, quy định của thị trường xuất khẩu; tổ chức tập huấn truy xuất nguồn gốc giúp người sản xuất sử dụng phần mềm như công cụ bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ngoài ra, cần minh bạch quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã và người sản xuất trực tiếp để thực hiện sản xuất và xuất khẩu bền vững.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày