Thứ 5, 18/04/2024, 23:30[GMT+7]

Hà Giang: Xây dựng sản phẩm OCOP cho mít dai vàng

Thứ 4, 07/09/2022 | 08:11:34
1,229 lượt xem
Là địa phương có cây mít dai vàng truyền thống chất lượng cao song lại chưa khẳng định được thương hiệu, chưa có nhiều người biết đến, vì vậy xã Hà Giang (Đông Hưng) đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng mít dai vàng thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng.

Mít dai vàng đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình bà Bùi Thị Hướng, thôn An Đồng, xã Hà Giang.

Trước đây bà Bùi Thị Hướng, thôn An Đồng, xã Hà Giang chỉ trồng vài cây mít truyền thống của địa phương. Sau thấy hiệu quả kinh tế cao, bà lấp ao trồng thêm hàng chục cây nữa. Đến nay, vườn nhà bà có trên 20 cây mít, đều đã cho quả ngọt. Bà Hướng chia sẻ: Cây mít nhiều tuổi nhất trong vườn của gia đình đã trên 15 năm. Bình quân mỗi cây cho 20 - 40 quả, quả to nhất nặng 12kg. Tôi nay đã 86 tuổi không làm được việc gì ra tiền, may có vườn mít, mỗi vụ cũng thu được gần 10 triệu đồng. Cây mít dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, trồng một lần thu hoạch hàng chục năm, là loại quả sạch. Đặc biệt, mít dai vàng của địa phương rất chất lượng, ruột vàng, múi dày, ngọt, vì vậy mọi người hay đến tận vườn mua để làm quà biếu người thân, bạn bè. Tôi mong sản phẩm mít dai vàng của Hà Giang sớm được công nhận sản phẩm OCOP để nhiều người biết, thưởng thức, đồng thời nâng cao giá trị, thu nhập cho người trồng.

Mong muốn của bà Hướng cũng là mong muốn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Hà Giang. Bởi trước đây các gia đình chỉ trồng một vài cây mít lấy quả ăn nhưng do nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng, nhiều gia đình đã cải tạo vườn tạp, lấp ao, chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả để trồng mít. Đến nay, diện tích trồng mít của toàn xã trên 40ha, tăng gần 10ha so với năm 2020. 

Đồng chí Chu Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để mở rộng diện tích trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm mít dai vàng bản địa, xây dựng mít dai vàng thành sản phẩm đặc thù địa phương, xã Hà Giang đã quy hoạch 10,7ha để trồng mít. Hiện đã có một số hộ trong vùng quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ trong vùng quy hoạch không trồng mít đổi ruộng cho các hộ có nhu cầu. Đặc biệt, xã đã cho thành lập HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang để sản xuất, cung ứng giống mít dai vàng chất lượng cho thị trường; hướng dẫn các chủ vườn về kỹ thuật trồng, chăm sóc để mít ra nhiều quả, phân bố đều trên các cành, quả to, ngon; phối hợp với các đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm mít dai vàng... Bên cạnh đó, xã tập trung hoàn thiện thủ tục đề nghị tỉnh sớm công nhận mít dai vàng là sản phẩm OCOP 3 sao.

Dù diện tích trồng mít dai vàng của xã đã tăng đáng kể, có một số hộ trồng nhiều, thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm, song cơ bản các hộ vẫn trồng tự phát, tự nhân giống, vì vậy chất lượng cây, quả chưa theo yêu cầu. Năm 2021, xã giao cho một số cá nhân có kinh nghiệm lựa chọn ươm 1.000 cây mít dai vàng giống cung cấp cho bà con trồng, song vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang ngay sau ra đời đã tập trung tuyển chọn cây đầu dòng để lấy hạt nhân giống mít cung cấp cho bà con. 

Ông Bùi Duy Thủ, Giám đốc HTX cho biết: Trước khi thành lập HTX, chúng tôi đã đưa 6 mẫu mít dai vàng lên Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, Viện đánh giá rất cao về chất lượng của mít dai vàng Hà Giang. HTX cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn, công nhận 7 cây mít đầu dòng của các hộ, hợp đồng thu mua quả từ các cây mít đầu dòng và các cây mít có trái đạt tiêu chuẩn, lựa chọn kỹ từng hạt, mua đất về ủ mục, làm bầu gieo giống theo hướng dẫn của các sở. Đến nay, HTX đã nhân giống được gần 5 vạn cây. Dự kiến sau 5 tháng sẽ xuất bán cây giống cho bà con trồng. Khi cây có quả sẽ được dán tem thương hiệu của HTX, được HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm. Mít dai vàng cũng như các giống mít ta chỉ cho thu hoạch vài tháng trong năm, quả mít khi chín phải ăn luôn mới ngon, vì vậy HTX đang nghiên cứu, đầu tư mua máy móc để làm mít sấy vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm khi trồng mít thành cây hàng hóa vừa giúp người tiêu dùng có mít dai vàng ăn quanh năm, tiện lợi khi mang ra tỉnh ngoài biếu, tặng... Hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Nguyễn Thị Tám, thôn Lương Đống cho biết: Với mong muốn được cùng chung tay xây dựng thương hiệu cho mít dai vàng của địa phương, dù đã có tuổi tôi vẫn tham gia cùng HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang nhân giống mít quý của xã, cũng là có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Cùng với sản phẩm phát lộc Minh Tân (OCOP 4 sao), hồng xiêm Lô Giang (OCOP 3 sao), mít dai vàng khi được công nhận sản phẩm OCOP sẽ đưa nông sản đặc thù địa phương thành đặc sản có giá trị cao, tạo điều kiện cho nông nghiệp Đông Hưng phát triển.

Cây giống do HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang ươm.



Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày