Thứ 6, 27/12/2024, 17:58[GMT+7]

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình: Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật

Thứ 2, 03/10/2022 | 06:20:10
2,203 lượt xem
Với vai trò cầu nối quan trọng trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả cao.

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình kiểm tra mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ tưới thông minh tại huyện Vũ Thư.

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chia sẻ: Từ các nguồn vốn của trung ương và địa phương, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất được Trung tâm triển khai thông qua nhiều hình thức như: đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, hội nghị đầu bờ, chuyển giao công nghệ, khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khảo nghiệm và xây dựng các mô hình..., qua đó góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Thông qua hoạt động này, các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, các kỹ thuật canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất điển hình trong tỉnh được chuyển tải, giới thiệu đến người dân một cách kịp thời, đầy đủ để tham khảo, học tập và làm theo. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã xây dựng được 4 mô hình trồng trọt, 3 mô hình chăn nuôi và 1 mô hình thủy sản. Nhìn chung, các mô hình đều mang lại hiệu quả tốt cho người lao động.

Điển hình như mô hình “Vịt biển 15 - Đại Xuyên thương phẩm an toàn theo chuỗi liên kết” tại xã Thái Phúc và Thái Thọ (Thái Thụy) quy mô 2.000 con cho kết quả tỷ lệ sống đạt 96,65%; trọng lượng xuất bán đạt 2,61 kg/con. Mô hình cho lãi 39,9 triệu đồng/lứa. Hay mô hình “Sản xuất rau màu an toàn có liên kết tiêu thụ sản phẩm” được thực hiện tại xã Trung An (Vũ Thư) với quy mô 5ha trồng rau xà lách xoăn đã được cán bộ Trung tâm phối hợp thực hiện, chủ động tiến hành lựa chọn hộ, xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại. Mô hình được thực hiện từ tháng 3 - 6/2022. Qua đánh giá, tỷ lệ nảy mầm từ 75 - 85%, năng suất trung bình 4,5 tạ/sào. So với sản xuất đại trà thì năng suất trong mô hình đạt cao hơn từ 10 - 15%, giá bán cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Đức Đỉnh, xã Tân Lập (Vũ Thư) chia sẻ về mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ tưới thông minh do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình hỗ trợ gia đình ông triển khai: Mô hình đã giúp điều tiết ẩm độ trong môi trường trồng nấm của gia đình do sử dụng nhiệt độ có bộ cảm biến theo dõi ẩm độ, nhiệt độ hàng giờ trong nhà sản xuất. Cùng với đó, việc vận hành hệ thống tưới nước thông minh còn có thể theo dõi nhiệt độ, ẩm độ trong nhà sản xuất trên điện thoại thông minh nên rất thuận tiện. Với mô hình này, tùy thuộc thời điểm sinh trưởng của nấm, có thể cài hẹn giờ hoặc ấn tưới trực tiếp trên điện thoại. Từ khi ứng dụng công nghệ này, gia đình được thu hoạch nấm với năng suất từ 2 - 3 tạ nấm/ngày. Qua mô hình, nông dân chúng tôi thêm hiểu biết và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, dần thay đổi các biện pháp canh tác cũ, góp phần tăng năng suất, sản lượng so với phương thức sản xuất truyền thống.

Ngoài triển khai thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai 2 mô hình trình diễn giống mới là TBR279 và ĐA2 tại huyện Quỳnh Phụ. Phối hợp với Công ty Nam Dương triển khai mô hình giống lúa ND502, quy mô 30 sào tại huyện Đông Hưng. Từ nguồn vốn của trung ương, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cũng đã triển khai 2 dự án: “Nuôi cá trắm đen thương phẩm an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2023” tại 4 huyện Vũ Thư, Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải; hiện nay, cá sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 1.320g/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%; Dự án “Vỗ béo bò thịt” thực hiện tại 7 xã thuộc 2 huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ. Kết quả sau vỗ béo đối với đàn bò thịt tăng 974,28g/con/ngày, hiệu quả kinh tế trong mô hình cao hơn ngoài mô hình đối với bò thịt tăng 26,29%. Mô hình còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp đàn bò giảm thiểu các bệnh về móng. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Để phát huy hơn nữa vai trò của công tác khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, nhất là trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Thái Bình sẽ tiếp tục đề xuất tỉnh, ngành xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp của ngành, của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời Trung tâm phối hợp các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật đến người dân, từ đó góp phần nhân rộng nhiều mô hình tiên tiến, có hiệu quả để tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.

Mô hình sản xuất rau màu an toàn có liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai thực hiện.


Mai Thư

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày