Thứ 7, 28/12/2024, 12:11[GMT+7]

Nâng cao năng suất, giá trị trong chăn nuôi bò

Thứ 4, 19/10/2022 | 08:21:17
13,549 lượt xem
Giai đoạn 2020 - 2022, với sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt”. Với những hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội, dự án đã được nhiều hộ dân nhân rộng, góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi, nâng cao giá trị, hiệu quả và thu nhập cho người dân.

Trung tâm Khuyến nông bàn giao vật tư hỗ trợ các hộ tham gia mô hình.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vàng, thôn Tô Hồ, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) là một trong những hộ chăn nuôi được lựa chọn tham gia dự án với quy mô 10 con. Ông Vàng chia sẻ: Nhìn đàn bò da căng bóng, sạch sẽ đang trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán ai cũng trầm trồ khen ngợi. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi thiết kế xây dựng dãy chuồng sạch sẽ, thoáng mát có đầy đủ máng ăn, máng uống và sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải. Thực hiện mô hình giúp gia đình giảm công chăm sóc, ít rủi ro, không bị dịch bệnh; khai thác tốt bò đưa vào vỗ béo để tăng thu nhập; hạn chế ô nhiễm môi trường...

Cũng như ông Vàng, bà Nguyễn Thị Làn, xã Điệp Nông (Hưng Hà) nhận thấy hiệu quả rõ rệt khi áp dụng các kỹ thuật của dự án vào chăn nuôi như: bò tăng trọng nhanh, ít bệnh, chuồng trại sạch sẽ mà không tốn nhiều công vệ sinh. Bà Làn cho biết: Tuy vốn đầu tư nuôi bò lớn nhưng thời gian quay vòng vốn nhanh, ít rủi ro, lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác. Nuôi nhốt như hiện nay, chỉ cần một người có thể chăm sóc được khoảng 20 con bò mà vẫn dư thời gian để làm việc khác; kỹ thuật nuôi đơn giản và phù hợp với hầu hết các hộ chăn nuôi. Ngoài cám, các phụ phẩm sẵn có như ngô, khoai, cỏ, rơm được tận dụng làm thức ăn cho bò nên vừa giảm chi phí mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với mục tiêu nâng cao năng suất, giá trị trong chăn nuôi bò vỗ béo gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, dự án có quy mô 640 con, thực hiện tại 5 huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Thái Thụy với 100 hộ dân tham gia. Mặc dù dự án triển khai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật... song với sự chỉ đạo sát sao cùng quyết tâm, cố gắng của các bên, sau 3 năm triển khai dự án đã hoàn thành được mục tiêu, thực hiện chuyển giao được 3 mô hình vỗ béo bò với 5 điểm trình diễn đạt quy mô 640 con, khả năng tăng trọng vượt yêu cầu của dự án, hiệu quả kinh tế tăng bình quân 23% so với bò vỗ béo ngoài mô hình.

Kỹ sư Trần Văn Trung, Chủ nhiệm dự án cho biết: Hộ tham gia dự án được hỗ trợ 50% vật tư thiết yếu như: thức ăn vỗ béo, thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, chế phẩm vi sinh. Trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã cử cán bộ hướng dẫn nông dân kỹ thuật chọn bò vỗ béo, kiểm tra sức khỏe, bấm thẻ tai theo dõi, đo trọng lượng, phân loại bò loại thải, bò thịt; tẩy ký sinh trùng và nuôi thích nghi trước khi đưa vào nuôi vỗ béo. Ngoài ra, các chủ hộ còn được hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký mô hình, theo dõi các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật là cơ sở để hạch toán hiệu quả kinh tế. Với phương pháp triển khai phù hợp đã giúp thay đổi nhận thức, tập quán trong chăn nuôi bò của người dân địa phương. Thay vì chăn thả tự nhiên, truyền thống, người dân đã có đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ sự hỗ trợ ban đầu của dự án, sau 3 năm, đã nhân rộng thêm 26 hộ tham gia, quy mô 114 con bò vỗ béo. Chúng tôi hy vọng, mỗi đối tượng tham gia và hưởng lợi từ dự án sẽ là những nhân tố tích cực góp phần lan tỏa tính hiệu quả của mô hình ra cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi bò theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.

Trung tâm Khuyến nông thăm đàn bò của gia đình bà Phạm Thị Làn, xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày