Chủ nhật, 19/05/2024, 15:23[GMT+7]

THÁI THỤY Phòng chống úng bảo vệ sản xuất

Thứ 6, 03/09/2010 | 14:58:18
1,474 lượt xem
Thái Thụy là huyện ven biển, địa hình có xu thế cao dần về phía biển nhưng lại có nhiều vùng thấp xen kẽ hầu hết nằm sâu trong nội đồng xa cửa tiêu nên gây khó khăn cho việc tiêu nước chống úng, rất dễ bị úng cục bộ. Trước thực trạng trên, trước mùa mưa lũ năm nay, BCH phòng chống lụt bão huyện phối hợp với Xí nghiệp khai thác thuỷ lợi chủ động xây dựng án phòng, chống úng bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa mùa, cây màu hè thu, tạo điều kiện mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông.

Bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa mùa

Cụ thể, vùng úng của huyện được chia thành 2 lưu vực: khu Bắc và khu Nam với tổng diện tích 1.473 ha. Trong đó, 850 vào diện trũng, thường bị úng nặng thuộc vùng đồng 80, Thái Hồng, Thái Thủy, Bà Đa, ven sông Sinh thuộc các xã Thụy Ninh, Thụy Phúc, Thụy Chính, Thụy Dân.

Các công trình phục vụ điều hành tiêu úng cho hai lưu vực gồm 36.850m đường vùng lớn bao ngoài, 30.000 m đường vùng nội bao, 2 trạm bơm tiêu úng lớn và một số trạm bơm nhỏ do các xã quản lý, hệ thống cống đập tiêu úng, 278,3 km sông trục cấp I và cấp II và trên 500 km sông liên xã, nội xã. Mặc dù hệ thống công trình tiêu úng của Thái Thụy được xây dựng theo quy hoạch đã phê duyệt, những năm gần đây thường xuyên được tu bổ, nâng cấp nhưng nhiều công trình  hiện nay vẫn xuống cấp nghiêm trọng.

Đa số các cống đều xây dựng từ những năm 1960, hầu hết trong tình trạng bị gẫy thân, đáy cống ruồng mang, cống xạc gẫy cánh gà, hèm cống. Sông trục, kênh dẫn liên xã bị bồi lắng trong tình trạng nông hẹp, bị lấn chiếm mất bờ sông. Các bờ vùng chống úng thấp, nhỏ, chưa đáp ứng đươc việc khoanh vùng chống úng.

Trước thực trạng hệ thống các công trình kết hợp với các dự báo tình hình thời tiết, ngay từ đầu mùa mưa bão, Thái Thụy đã thành lập Tiểu ban chống úng, chủ động giao kế hoạch làm thủy lợi Đông-Xuân sớm cho các xã, thị trấn, ưu tiên cho vùng sản xuất cây vụ đông. Là đơn vị thường trực trong công tác phòng, chống úng, Xí nghiệp khai thác thuỷ lợi huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình chống úng, phân công cán bộ kỹ thuật chỉ đạo theo vùng úng.

Đầu tư kinh phí hàng trăm triệu đồng nạo vét một số tuyến sông; kiểm tra, sửa chữa, thay thế cánh van, hệ thống đóng mở, bổ sung phai cho một số cống dưới đê, cống nội đồng đã bị hư hỏng; tổ chức tập huấn bơi lội, mua trang thiết bị bảo hộ lao động cho cán bộ công nhân viên, thợ lặn. Công nhân của xí nghiệp thường xuyên tổ chức khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông trục, kênh dẫn và đã thu vớt được hơn 1 triệu m2 bèo bồng, giải phóng hơn 400 bối cá, vó bè.

Riêng với trạm bơm Hệ, thời gian qua xí nghiệp đã chi khoảng 1,1 tỷ đồng nạo vét vùng trước cửa trạm bơm đồng thời tiến hành duy tu, bảo dưỡng các máy bơm nên hiện nay cả 2 trạm bơm tiêu (trạm Hệ, trạm Thuỷ Nguyên) do đơn vị quản lý đều hoạt động tốt, sẵn sàng tiêu úng khi mưa lũ   xảy ra.

Năm nay cũng là năm Thái Thụy tổ chức mở rộng diện tích cây màu hè, tăng diện tích lúa chất lượng cao làm tiền đề cho mở rộng diện tích cây vụ đông nên trong điều kiện thời tiết bình thường sẽ thực hiện tiêu thường xuyên để phòng úng là chính. Theo phương án này, toàn bộ hệ thống đã thực hiện điều tiết nước hợp lý tạo điều kiện cho nông dân hoàn thành cấy toàn bộ diện tích lúa mùa đúng trong khung thời vụ kết hợp với việc phòng úng, chống úng cho 2 lưu vực khi có mưa vừa, mưa to; ngay sau mỗi đợt lấy nước chung cho từng hệ thống để dâng nước cho vùng cao, vùng vàn đã thực hiện hạ thấp mực nước ở các sông trục để tiêu nước cho lưu vực vùng trũng. Ví như trong 2 cơn bão số 1, số 2 vừa qua, khi có dự báo, Tiểu ban phòng, chống úng của huyện đã phân công cán bộ đi kiểm tra, thường trực 24/24 h ở các vùng xung yếu có khả năng xảy ra úng nặng.

Xí nghiệp khai thác thuỷ lợi huyện chủ động mở các cống dưới đê trước đó từ 2 đến 3 ngày để tiêu kiệt nước nên dù có mưa xảy ra đúng thời điểm cây lúa còn non nhưng không để xảy ra úng cục bộ ở các vùng trũng. Hiện nay, 13.500 ha lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, phương án huyện đưa ra chủ động điều tiết nước hợp lý theo phương châm “Tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”, hệ thống chỉ duy trì mực nước từ 40 đến 50 cao độ để vừa phòng úng vừa tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh, phòng trừ bệnh lùn sọc đen.

Dự kiến từ nay đến cuối vụ, thời tiết còn rất nhiều diễn biến phức tạp, trong trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, xảy ra úng nặng lúc đó huyện sẽ huy động hai trạm bơm Thái Học, Thụy Ninh tiêu nước qua đê và mở các cống tiêu; nếu mưa nhỏ, úng cục bộ sẽ khoanh vùng úng, dùng các trạm bơm để bơm ra sông chính sau đó mở các cống tiêu cho vùng úng cục bộ.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa mùa, năm nay Thái Thụy đặt mục tiêu gieo trồng 6.000 ha cây vụ đông, đặc biệt là 2.000 ha cây đậu tương trên đất 2 lúa nên việc chống úng cho cây vụ đông được xác định là vấn đề quan trong bởi thời gian trồng cây vụ đông vào tháng 9, tháng 10 thường trùng vào lúc có các trận mưa trái mùa, đã có nhiều năm khi bà con vừa trồng xong mưa xảy ra, thiệt hại rất lớn.

Vì vậy, phương án chống úng cho cây vụ đông huyện đưa ra là: trên cơ sở quy hoạch vùng, các xã, thị trấn chỉ đạo nông dân tuân thủ quy trình, kỹ thuật gieo trồng tránh các thiệt hại do mưa; chủ động nạo vét kênh mương, cải tạo hệ thống thuỷ lợi mặt ruộng trước khi gặt lúa mùa, nhất là những xã có nhiều cây màu trên vùng đất cao, vàn cao; kiểm tra các trạm bơm tiêu, chủ động bơm dầu, bơm tiêu cho vùng cây vụ đông khi xảy ra mưa úng.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày