Thứ 4, 24/04/2024, 07:20[GMT+7]

Hiệu quả từ liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo ở Kiến Xương

Thứ 7, 22/10/2022 | 08:03:56
1,116 lượt xem
Những năm gần đây, việc liên kết với các công ty trong sản xuất lúa gạo đã trở thành xu hướng hoạt động của các HTX SXKD DVNN trên địa bàn huyện Kiến Xương. Tham gia liên kết sản xuất, nông dân có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, HTX có thêm nguồn thu để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động. Mối liên kết này được thể hiện rõ hơn ở vụ mùa năm nay.

Giàn máy sấy của HTX Dịch vụ thương mại và tiêu thụ nông sản xã Bình Định (Kiến Xương) luôn hoạt động hết công suất.

Hiện nay, xã Bình Định đã cơ bản thu hoạch xong trên 550ha lúa mùa, trong đó có 200ha liên kết cấy lúa giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Bà Bùi Thị Gấm, thôn Công Bình cho biết: Gia đình tôi tham gia vào vùng liên kết cấy lúa giống từ năm 2014, sau khi thấy hiệu quả, từ 5 sào tôi đã mượn ruộng cấy lên 2 mẫu. Nếu như trước đây người dân thường xuyên bị ép giá, đầu ra gặp khó khăn thì từ khi tham gia vào vùng lúa giống tôi được bao tiêu sản phẩm hoàn toàn, không phải lo về đầu ra, giá bán lại cao hơn so với thị trường từ 1,3 - 1,5 lần. Với số ruộng này, bình quân mỗi năm tôi thu được 8 tấn thóc giống bán cho doanh nghiệp, thu về 70 triệu đồng. Riêng vụ mùa này tôi cầm chắc trong tay khoảng 36 triệu đồng.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại và tiêu thụ nông sản xã Bình Định cho biết: HTX đã thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho người dân từ năm 2009, đến nay đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất lúa giống trên diện tích 200ha với gần 2.000 xã viên tham gia. Trong quá trình sản xuất, HTX đã thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo mạ khay, cấy máy, làm đất, thu hoạch và tổ chức mua thóc tươi sấy cho bà con. Bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ từ 1.000 - 1.200 tấn thóc cho người dân. Hiện tại, giàn máy sấy của HTX hoạt động hết công suất với mỗi mẻ sấy được 25 - 30 tấn thóc. Ngay ở vụ mùa này HTX tổ chức thu mua thóc tươi và sấy thóc cho bà con từ 150 - 200 tấn. Từ hiệu quả đó, HTX tiếp tục tổ chức quy vùng sản xuất, phá bỏ bờ ngăn, bờ thửa, sản xuất theo quy mô lớn và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng một thời kỳ và thu hoạch cùng một thời điểm, chi phí đầu vào giảm từ 450.000 - 500.000 đồng/sào.

Hệ thống máy xát của HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương).

Ở xã Bình Thanh, hiện tại HTX đang liên kết với 2 doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân với sản lượng từ 600 - 700 tấn/vụ. Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: HTX đã thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm từ vụ mùa năm 2012 với hai sản phẩm chính là lúa giống và lúa hàng hóa đồng thời thực hiện thu mua thóc tươi và thóc khô cho người dân. Điển hình như lúa giống, HTX tổ chức thu mua thóc tươi, sấy khô và bán lại cho doanh nghiệp, còn lúa hàng hóa cứ người dân gặt đến đâu doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng tới đó. Cả 2 hình thức này đều đem lại lợi nhuận cho người dân nên họ rất yên tâm khi tham gia vào vùng liên kết sản xuất bởi lãi cao hơn so với giá thị trường từ 1,1 - 1,3 lần. Hiện tại, toàn xã đã thu hoạch được trên 30ha lúa mùa, trong đó HTX đã tổ chức thu mua và bao tiêu 25ha. Dự kiến lượng bao tiêu thóc trong vụ mùa năm nay cho bà con khoảng 600 tấn với các dòng sản phẩm chính như giống TBR225, Hạt Ngọc 9, ST25.

Tại xã Hồng Tiến, điều đáng mừng nhất là các bên tham gia vào chuỗi liên kết đều hài lòng về những lợi ích được hưởng. Trong tổng diện tích 329ha vụ mùa này có tới 110ha được thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm. 

Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Từ năm 2012, HTX bắt đầu liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed bao tiêu sản phẩm cho 2 giống lúa TBR225 và TBR-1. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm HTX bao tiêu gần 800 tấn thóc, riêng vụ mùa này HTX bao tiêu khoảng 300 tấn. Kết quả cho thấy lợi nhuận của việc liên kết sản xuất tăng nhiều hơn với cấy lúa thông thường. Các thành viên HTX được doanh nghiệp cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khử lẫn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Do đó, bước vào năm 2022, HTX tiếp tục tổ chức quy vùng cấy hơn 7ha giống ST25 ở vụ xuân và mở rộng lên 15ha ở vụ mùa đồng thời xây dựng vùng lúa rươi, sản xuất theo hướng hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, HTX đang tập trung đôn đốc bà con nhanh chóng thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, phấn đấu đến ngày 25/10 hoàn thành thu hoạch lúa mùa.

Đến nay, huyện Kiến Xương có 19/38 HTX SXKD DVNN thực hiện liên kết hàng hóa bao tiêu sản phẩm. Cách làm này không chỉ giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định mà còn trở thành động lực lớn để người dân gắn bó với nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng bền vững.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày