Thứ 5, 28/03/2024, 17:09[GMT+7]

Hiệu quả cánh đồng lớn cấy một giống lúa ở Tiền Hải

Thứ 6, 28/10/2022 | 10:21:21
3,930 lượt xem
Trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây huyện Tiền Hải chú trọng xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) chuyên cấy một giống lúa, có bao tiêu sản phẩm cho nông dân, qua đó từng bước nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Huyện Tiền Hải phối hợp với ngành chuyên môn đánh giá năng suất lúa vụ mùa.

Vụ mùa năm nay, xã Nam Thắng cấy 276ha lúa. Một trong những thành công trong sản xuất nông nghiệp của xã là đã xây dựng được những CĐL chuyên cấy giống lúa TBR25 và liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tiêu thụ nông sản cho nông dân. 

Ông Trần Văn Thao, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Thắng cho biết: Trên cùng một cánh đồng, việc có nhiều giống lúa dẫn đến kỹ thuật canh tác và thời gian thu hoạch khác nhau, nhiều sâu bệnh hại khiến hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp chỉ cấy một giống lúa trên một cánh đồng sẽ giúp quy trình canh tác cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật được đồng bộ, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, HTX đã liên kết các hộ dân lại để sản xuất theo mô hình CĐL đạt 80ha ở các thôn Rưỡng Trực 1, Nam Đồng Bắc, Nam Đồng Nam. Để hỗ trợ cho CĐL, HTX đã đầu tư cứng hóa 3km kênh mương; hỗ trợ giống cho nông dân mua trả chậm; tập huấn khoa học kỹ thuật... Đến thời điểm này, toàn bộ cánh đồng cấy một giống đều chín đồng loạt, không có tình trạng trỗ trước, trỗ sau như trước đây khi cấy nhiều giống lúa trên cùng cánh đồng. Theo ước tính vụ mùa năm nay năng suất đạt trên 60,7 tạ/ha. Hiệu quả của xây dựng CĐL xã Nam Thắng mỗi năm mang lại thu nhập cho nông dân 5 tỷ đồng.

Thu hoạch lúa mùa tại xã Đông Quý (Tiền Hải).

Còn đối với ông Tạ Loan Chiến, thôn Hải Nhuận, xã Đông Quý khi được tham gia vào mô hình cấy lúa giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, ông đã thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ chuyên môn từ khâu gieo mạ, chăm sóc, khử lẫn, thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng lúa giống theo yêu cầu đề ra. Đến thời điểm này, gia đình ông Chiến đã thu hoạch gần xong 6 mẫu lúa mùa. 

Ông Chiến chia sẻ: Trước đây sản xuất lúa nông dân thường gặp khó khăn đầu ra. Nhưng nhiều năm trở lại đây, khi tham gia vào mô hình CĐL có liên kết với doanh nghiệp, nông dân xã Đông Quý chúng tôi không còn bí đầu ra sản phẩm, thu nhập tăng cao nên hầu hết bà con nông dân đều duy trì diện tích cấy lúa giống và thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp. Việc bán lúa giống Bắc thơm số 7 cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tương đối ổn định với giá trị cao hơn lúa thường 1,3 lần tại thời điểm thu mua.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Mô hình CĐL chính là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm lúa gạo hiện nay. Để xây dựng thành công CĐL, Tiền Hải đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với HTX, các hộ nông dân trong phát triển, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thực hiện mạnh mẽ việc áp dụng một giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh. Từ việc triển khai xây dựng CĐL, nhiều khâu sản xuất đã được thực hiện đồng bộ như sử dụng một giống, liền vùng, cùng thời vụ. Quá trình sản xuất trên CĐL nhiều địa phương tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất theo cách thức truyền thống. Nhờ quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai của ngành nông nghiệp, cùng với sự quyết tâm cao của chính quyền, sự đồng tình hưởng ứng tích cực của nông dân, không chỉ xã Nam Thắng, xã Đông Quý mà đến nay đã có 15 xã thực hiện xây dựng CĐL với diện tích đạt 1.000ha và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị như Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty Khang Long, Công ty An Đình...

Thời gian tới, Tiền Hải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách tập trung, tích tụ đất đai; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất liên kết các nông hộ, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ; liên kết “5 nhà”, hình thành mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm; triển khai quy hoạch và thu hút các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn.

Mạnh Thắng