Thứ 3, 05/11/2024, 11:19[GMT+7]

Kinh tế khá nhờ nuôi bò

Thứ 4, 09/11/2022 | 08:16:24
1,494 lượt xem
Nhờ nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm mà gia đình anh Đỗ Ngọc Trìu, thôn Tam Lạc 2, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Đỗ Ngọc Trìu chuẩn bị thái cỏ cho bò.

Chứng kiến nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang, anh Trìu đã mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương và trao đổi với những hộ có ruộng bỏ hoang cho anh thuê lại diện tích trên để chuyển đổi sang chăn nuôi. Có chút vốn từ nghề lái xe và vay thêm từ quỹ hỗ trợ nông dân, năm 2015 anh đầu tư 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 4 con bò sinh sản. Chia sẻ lý do bỏ nghề lái xe về quê nuôi bò, anh Trìu cho biết: Tôi thấy chăn nuôi lợn, gà đối mặt với nhiều rủi ro về nguy cơ dịch bệnh, thị trường, giá cả bấp bênh, chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi cao. Trong khi đó, bò là vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giá cả thị trường luôn ổn định. Thức ăn của bò tận dụng được từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, cây chuối nên giảm đáng kể chi phí thức ăn chăn nuôi.

Cùng với xây dựng chuồng trại, anh Trìu thuê ruộng để trồng cỏ chăn nuôi bò, đồng thời tận dụng rơm rạ làm thức ăn tích trữ cho bò về mùa đông, chăn bò ngoài cánh đồng khi nông dân đã thu hoạch nông sản. Với hình thức chăn nuôi bò sinh sản, bê con sinh ra nếu là bê cái được giữ lại làm giống còn bê đực sẽ nuôi vỗ béo thành bò thương phẩm để bán. Hiện anh có 20 con bò sinh sản, gần 20 con bò thương phẩm, ngoài ra anh còn nuôi thêm trâu thương phẩm. Sau vài năm anh đã thu hồi vốn, trả hết nợ, riêng số tiền lãi từ nuôi bò mỗi năm được anh quay vòng đầu tư nâng cấp chuồng trại và tăng số lượng bò. Anh Trìu cho biết, năm 2021, từ nuôi bò cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Theo anh Trìu, để chăn nuôi bò hiệu quả, ngoài kinh nghiệm của bản thân, anh đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò từ những mô hình khác ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các khâu chọn giống, làm chuồng trại, phối trộn thức ăn, cách nuôi dưỡng, chăm sóc, tiêm vắc-xin phòng bệnh... quyết định đến sự thành bại. Bên cạnh đó, hiệu quả nuôi cũng phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi xuất bán, một số tác động của môi trường và mức độ chênh lệch về giá mua và giá bán. Bò chủ yếu mắc các bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ ngay từ nhỏ thì nguy cơ mắc bệnh thấp. Cùng với đó, phải chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông, xử lý phân bò đúng quy trình để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, gia trại của anh Trìu còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 nhân công. Ngoài ra anh cũng hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi bò tại địa phương. Ông Phạm Văn Hồng, thôn Vân Động Nam, xã Vũ Lạc cho biết: Tôi mới nuôi bò được 2 năm, kiến thức, kinh nghiệm chưa nhiều thì anh Trìu chính là người chia sẻ cho tôi.

Ông Lê Viết Vĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Lạc cho biết: Thời gian đầu chăn nuôi anh Trìu cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng hành cùng anh và các hội viên khác, Hội Nông dân, Hội Làm vườn xã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ vốn. Anh Trìu đã năng động, chịu khó, bằng năng lực của mình để phát triển đàn bò. Quá trình khởi nghiệp bằng nuôi bò thể hiện anh Trìu là hội viên nông dân tiêu biểu của xã.

Anh Trìu mong muốn thời gian tới tiếp tục được các cấp, các ngành đồng hành, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập huấn khoa học kỹ thuật để nâng cấp chuồng trại, nâng cao chất lượng vật nuôi.

Anh Đỗ Ngọc Trìu mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành đồng hành, hỗ trợ để đầu tư nâng cấp chuồng trại, nâng cao chất lượng vật nuôi.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày