Chăn nuôi an toàn sinh học hướng đến phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Đạo, thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển trang trại chăn nuôi gà với quy mô chuồng nuôi rộng trên 5.000m2, nuôi 8.000 con gà đẻ/năm, đầu tư 12 máy ấp nở trứng gia cầm mang lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Đạo cho biết: Chăn nuôi theo phương pháp truyền thống gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp, đường ruột, tăng trọng thấp... Tuy nhiên, nếu tuân thủ theo quy trình chăn nuôi ATSH thì con vật nuôi có sức đề kháng tốt hơn, giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể. Để tỷ lệ gà đẻ đạt trên 70%, tôi đầu tư hệ thống chuồng nuôi khép kín, mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Nền chuồng được rải một lớp trấu dày sử dụng thêm chế phẩm vi sinh để tạo độ tơi xốp, hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh, chuồng nuôi cũng không có mùi hôi, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho đàn gà.
Đối với chăn nuôi lợn, người dân đã chú trọng áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH hơn khi nhiều lần bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ông Nguyễn Thanh Sơn, thôn Thụy Bình, xã Tân Phong (Vũ Thư) cho biết: Gia đình tôi duy trì nuôi 200 con lợn thịt/lứa. Vừa qua, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y lựa chọn tham gia mô hình “Chăn nuôi lợn thịt theo chuỗi liên kết áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH”, tôi đã học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật chăn nuôi lợn. Đặc biệt, thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh do cán bộ Chi cục hướng dẫn như: mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly theo quy định; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh; xây dựng hầm chứa chất thải hoặc xử lý bằng hóa chất; có quy trình chăn nuôi phù hợp tùy theo giai đoạn phát triển, bổ sung men vi sinh kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn... giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh, rút ngắn thời gian nuôi so với cách nuôi truyền thống từ 7 - 10 ngày.
Chăn nuôi ATSH là áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh với vật nuôi. Thực hiện tốt chăn nuôi ATSH là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để đẩy lùi dịch bệnh, phát triển chăn nuôi lợn bền vững.
Bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, các hộ nuôi phải kiểm soát chặt chẽ mối nguy, mầm bệnh từ bên ngoài, khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; phải thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi bảo đảm đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ; con giống phải có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định... Thông qua các lớp tập huấn, các mô hình do Chi cục triển khai, nhiều hộ dân đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao kiến thức chăn nuôi.
Chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần bị thay thế bởi các trang trại, gia trại quy mô lớn. Coi chăn nuôi là một ngành sản xuất, các hộ nuôi đã chú trọng áp dụng các biện pháp ATSH do phương pháp này mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỷ lệ dịch bệnh khi có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn..., từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Bên cạnh đó, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi. Để nhân rộng phương thức chăn nuôi mới này, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ATSH cho người chăn nuôi; chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín theo hướng an toàn, bền vững.
Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho vật nuôi.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương